Xây dựng cảng số, chìa khoá phát triển đất nước

Con tàu Suzaku thực hiện chuyến đi thử nghiệm dài 790 km mà không có sự điều khiển của con người (Nguồn: Cục ĐKVN)

Ở một nước có biển, cảng biển là cửa ngõ giao thương quan trọng với quốc tế. Trong hệ thống logistics quốc gia, các cảng biển đóng vai trò là các nút đầu mối, trong đó, cảng cửa ngõ quốc gia (national gateway) là đầu mối trung tâm. Vì thế, muốn cải thiện năng lực và hiệu quả của hệ thống logistics quốc gia thì trước tiên cần hiện đại hóa cảng biển, quan trọng nhất là cảng cửa ngõ quốc gia.

Cảng cửa ngõ quốc gia hiện nay của Việt Nam nằm ở đâu? Cần phát triển, hiện đại hóa theo hướng nào? Vấn đề này không chỉ các nhà khai thác cảng quan tâm mà cao hơn thế, ở tầm vĩ mô, các nhà hoạch định chính sách cũng rất chú trọng vì nó quyết định đến khả năng phát triển của cả nước trong nhiều chục năm tới. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng quan sát những xu hướng phát triển trên thế giới có ảnh hưởng hay tác động trực tiếp lên việc chọn lựa phương án xây dựng cảng cửa ngõ quốc gia nói riêng, toàn bộ hệ thống logistics quốc gia nói chung.

Những xu hướng được nhiều quốc gia quan tâm nhất hiện nay

1.Xu hướng phát triển tàu vận tải biển lớn, thông minh

Kết quả phân tích tính hiệu quả của vận tải biển so với các phương thức vận tải khác trong thế giới hội nhập thúc đẩy ngành đóng tàu vận tải biển thế giới phát triển, các con tàu ngày càng lớn hơn và thông minh hơn.

Theo GS Hans-Dietrich Haasis, đại học Bremen, từ năm 1972 đến 2013, trọng tải của các con tàu biển đã tăng từ 1.500 TEU đến 18.270 TEU (TEU – Twenty feet Equivalent Unit).

Xây dựng cảng số, chìa khoá phát triển đất nước - th1

Từ năm 2017 đến nay, chúng ta chứng kiến hàng loạt những con tàu chở hàng khổng lồ mới ra đời, trong số đó, nổi bật là các tên tuổi sau: (2017) Samsung Heavy Industries, 20.150 TEU, MOL“riumph” Tokio; (2017) Samsung Heavy Industries, 21.413 TEU, OOCL “Hong Kong”, HKG; (2020) 23.964 TEU, HMM “Algeciras”, Hyundai Merchant Marine, Seoul.

Ngoài độ lớn về kích thước, các con tàu hiện đại ngày một thông minh hơn nhờ ứng dụng công nghệ AI để tự vận hành trên biển, kể cả đi qua những tuyến hàng hải có nhiều tàu thuyền qua lại. Đây là hướng phát triển mang lại nhiều lợi ích to lớn không chỉ về kinh tế mà còn về nhiều khía cạnh khác như tiết kiệm thời gian, bảo vệ sức khỏe con người, giảm gây ô nhiễm lên hệ sinh thái biển…

Xu hướng phát triển những con tàu lớn, thông minh đang làm thay đổi hệ thống hàng hải quốc tế. Ngày nay, người ta hiểu rằng, quốc gia nào sở hữu cảng biển có khả năng đón những con tàu lớn hàng trăm ngàn tấn thông minh đó thì sẽ chiếm thế thượng phong trong phát triển kinh tế vì nâng cao được chất lượng dịch vụ logistics trong khi lại giảm sâu chi phí của dịch vụ này. 

2. Xu hướng xây dựng cảng số

Chuyển đổi số trong hoạt động khai thác và quản lý cảng biển nhằm xây dựng và phát triển các cảng số (digital port) đang là mục tiêu mà tất cả các cảng biển trên thế giới theo đuổi. Về bản chất, đây là quá trình thiết kế và đưa vào khai thác các mô hình kinh doanh cảng mới dựa trên ứng dụng các công nghệ số (port digitalization), hay nói nôm na là từng bước thay thế các công đoạn sản xuất và quản lý của cảng bằng các cơ chế tự động thông minh, máy làm thay người.

Hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu của cảng biển xoay quanh việc tổ chức và điều hành dòng hàng hóa đến và đi khỏi cảng một cách tối ưu. Vì thế, chuyển đổi số hoạt động của cảng tập trung vào tự động hóa một cách thông minh hai dòng vật lý chính là dòng hàng và dòng tiền. Với công nghệ số, việc đó có thể diễn ra theo thời gian thực với tỷ trọng số hóa rất cao (nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay logistics là lĩnh vực được số hóa cao nhất). Theo hướng phát triển các cảng số và cảng thông minh (smart port) khối lượng công việc trong cảng do máy móc đảm nhiệm ngày càng cao, ngược lại, số người làm việc tại cảng ngày càng giảm. Vì thế, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế tăng nhanh, trong khi giá cung cấp dịch vụ lại giảm, kéo theo chi phí logistics giảm – yếu tố trực tiếp thúc đẩy kinh tế phát triển.

Xây dựng cảng số, chìa khoá phát triển đất nước - th3
Mô hình cảng thế hệ mới Tuas của Singapore (Nguồn: MPA).

Cảng thông minh cần có hạ tầng thông minh để đón được các con tàu tự hành. Đây cũng là một hướng phát triển có nhiều điểm mới so với truyền thống. Ở các cảng biển thông minh người ta thấy xuất hiện các hạ tầng kỹ thuật mới, như “trạm điều phối thủy lưu” (điều phối các tàu ra vào cảng tương tự như đài kiểm soát không lưu ở các cảng hàng không) hay mạng lưới IoT rộng khắp.    

Xây dựng cảng số, chìa khoá phát triển đất nước - th4
Điều hành cảng thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ số (Nguồn: Internet)

3. Xu hướng xây dựng hệ sinh thái hàng hải

Đúc kết kinh nghiệm phát triển kinh tế cảng biển hơn 40 năm qua tại EU, các chuyên gia đưa ra kết luận rằng cảng biển không thể phát triển một mình mà cần gắn bó với tất cả các bên liên quan, trong đó, bao gồm cả các địa phương liền kề, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, chuyên gia, trung tâm đào tạo… Nghĩa là cần xây dựng hệ sinh thái hàng hải để các bên tham gia cùng hỗ trợ, tương tác với nhau và cùng phát triển. Trong kỷ nguyên số, việc này được thực hiện nhanh và thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây.

Xây dựng cảng số, chìa khoá phát triển đất nước - th5
Hệ sinh thái hàng hải (Nguồn: HDH)

Mục tiêu chung khi xây dựng hệ sinh thái hàng hải số là thu thập dữ liệu tự động về hoạt động vận tải biển và chia sẻ dữ liệu đó cho tất cả các bên tham gia hệ sinh thái để mỗi bên, đến lượt mình tạo ra giá trị gia tăng từ việc khai thác lượng dữ liệu lớn và thực đó (real data). Trong xã hội số, nhờ các công cụ AI hùng mạnh, người ta có thể khai phá dữ liệu lớn và thực để tạo ra rất nhiều sáng kiến mới có giá trị.

Thực tiễn hoạt động của các cảng biển Việt Nam và giải pháp

Nghiên cứu những xu hướng phát triển trên và thực tiễn hoạt động của các cảng biển hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng có hai vấn đề lớn chúng ta cần tập trung giải quyết vì càng để lâu thì nguy cơ tụt hậu càng cao.

1.Vị trí cảng cửa ngõ quốc gia

Hiện nay, cảng Sài Gòn là cảng biển lớn nhất Việt Nam. Cảng Sài Gòn là một hệ thống cảng biển cấp quốc gia gồm nhiều cảng thuộc TP.HCM như Cát Lái, Hiệp Phước, Tân Thuận, Bến Nghé,… Trong đó, cảng có lượng hàng hóa thông quan lớn nhất là Cát Lái. Trên bản đồ hàng hải, các cảng trên, dù được gọi là cảng biển nhưng thực chất nằm trên sông (sông Sài Gòn và sông Soài Rạp) cách phao số 0 từ 54 km đến 85 km. Vì thế, chỉ đón được tàu feeder có trọng tải nhẹ (khoảng 25.000 tấn trở xuống) vào ăn hàng để trung chuyển qua Singapore. Các tàu lớn không thể tiếp cận các cảng này. Vì vậy, tại các vị trí cảng hiện nay không thể xây dựng cảng thông minh thế hệ mới như đã trình bày ở trên.

Các dữ liệu nghiên cứu khu vực Gò Gia – Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP.HCM) trong nhiều năm qua cho thấy vị trí thích hợp đủ điều kiện để xây dựng cảng cửa ngõ quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn xây dựng cảng nước sâu đủ khả năng đón các tàu vận tải lớn, thông minh (độ sâu trên 14 mét, không gian phát triển cảng rộng, không gian mặt nước lớn, liền kề chân hàng, có thể phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng,…) là bãi cạn tại xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ nằm trong vịnh Gành Rái. Khi vị trí này được lựa chọn, toàn bộ cụm cảng Cái Mép – Thị Vải – Phước An – Hiệp Phước – Gò Công được kết nối với siêu cảng Sài Gòn mới ở trung tâm thông qua hệ thống giao thông liên vùng hiện đại.

Giải pháp này sẽ làm thay đổi hoàn toàn vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế với tư cách là một quốc gia sở hữu cảng trực tuyến kết nối với các thị trường quốc tế chứ không còn phải trung chuyển đến các cảng lớn trong khu vực như hiện nay. Bức tranh logistics Việt Nam sẽ thay đổi một cách sâu sắc.     

2. Chuyển đổi số các cảng hay xây dựng cảng số

Ở thời điểm hiện tại (2023), gần như tất cả các cảng biển quan trọng nhất của nước ta đã đạt được trình độ khá cao về điện tử hóa hay cảng điện tử. Tuy nhiên, tất cả đều đang chựng lại do chính bởi sự hạn chế của các công cụ điện tử hóa. Cụ thể hơn, hạt nhân ứng dụng CNTT tại các cảng hiện nay là các hệ thống TOS (terminal operation system  – hệ điều hành bến cảng) dù đáp ứng được nhiều công việc điều phối khai thác cảng nhưng lại có hạn chế là không kết nối được trực tiếp với các hệ thống khác. Gần như tất cả các cảng hiện nay đều sử dụng nhiều phần mềm ứng dụng có nguồn gốc khác nhau và chúng “không hiểu nhau”. Việc con người vẫn tự thu thập dữ liệu và nhập vào các hệ thống ứng dụng để vận hành là khiếm khuyết lớn nhất – nguồn gốc của sự trì trệ.

Chuyển đổi số tại cảng hay xây dựng cảng số (digital port) là hướng duy nhất và tất yếu không chỉ để khắc phục những hạn chế này mà cao hơn thế, đưa hoạt động khai thác và quản lý cảng lên một tầm cao mới vượt trội về mọi mặt so với hiện nay. Vậy, từ trạng thái hiện nay, cảng biển Việt Nam nên chuyển đổi số như thế nào để vừa duy trì và kế thừa những thành quả đã đạt được và từng bước chuyển đổi một cách chắc chắn? Thực tiễn cho thấy câu trả lời đến từ hai hướng chính. Một là tự động hóa thu thập dữ liệu cho các hệ thống ứng dụng đang chạy ổn định. Hai là nghiên cứu thiết kế các mô hình hoạt động mới dựa trên công nghệ số.

Theo hướng thứ nhất, việc thu thập được dữ liệu tự động bằng các thiết bị IoT để cung cấp cho các ứng dụng đang chạy ổn định (như TOS) thông qua API sẽ nhanh chóng làm tăng hiệu quả hoạt động của các ứng dụng này. Như thế vừa duy trì được những gì đang vận hành ổn định vừa mở ra khả năng “đối thoại” giữa các hệ thống ứng dụng khác nhau thông qua đại diện số của chúng.

Theo hướng thứ hai, việc chủ động thiết kế các mô hình hoạt động mới dựa trên công nghệ số (port digitalization model) giúp các chuyên gia của cảng nắm bắt công cụ số để tạo ra phương thức sản xuất kinh doanh mới. Đây là nội dung trọng tâm của quá trình xây dựng cảng số.

Mỗi cảng có hoàn cảnh và điều kiện riêng của mình. Khi chuyển đổi số, nếu biết cách đạt tới mục tiêu một cách tối ưu trong khuôn khổ khả năng của mình thì đó là giải pháp xây dựng cảng thông minh.

Tạm kết

Hệ thống logistics được ví như hệ tuần hoàn của cả quốc gia, trong đó, cảng cửa ngõ quốc gia là trái tim. Rõ ràng trái tim đó quyết định sức khỏe của cả nền kinh tế. Vì thế, việc xây dựng cảng cửa ngõ quốc gia thông minh nói riêng, chuyển đổi số trong tất cả các cảng biển Việt Nam nói chung cần được xem là những mục tiêu mang tính chiến lược lâu dài.

Sự phát triển hệ thống cảng thông minh quy mô quốc gia kéo theo sự phát triển bùng nổ của kinh tế biển Việt Nam, làm thức dậy vùng ven biển – vùng động lực kinh tế lớn nhất của cả nước có chiều dài lên đến 3260 km sẽ đảm bảo sự thịnh vượng và vững bền của nước ta về lâu dài./

Có thể bạn quan tâm
Muốn xe điện phổ cập hóa, trạm sạc phải phủ đủ

Để có thể sạc nhanh như đổ xăng, xe điện cần đến sự trợ giúp của điện áp cao, dòng điện cao và một hệ thống chuyển đổi năng lượng, lọc và quản lý sạc tinh vi…

Ra mắt nền tảng học tập số hợp nhất cho các chương trình đại học kỹ thuật

Keysight vừa ra mắt một nền tảng học tập số hợp nhất Keysight Digital Learning Suite, cung cấp cho các trường kỹ thuật cấp đại học và sinh viên các công cụ phòng thí nghiệm, tài nguyên và chương trình học thông qua một giao diện web an toàn duy nhất.

Liên danh FPT – Petro South tư vấn chuyển đổi số cho Vietsovpetro

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro phối hợp cùng Liên danh Nhà thầu FPT – Petro South vừa tổ chức lễ khởi động dự án tư vấn chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và phát triển hệ thống công nghệ thông tin.

Mastercard tích hợp bộ ứng dụng Element tăng trải nghiệm cá nhân hóa

Dynamic Yield, công ty trực thuộc Mastercard vừa ra mắt Element – bộ ứng dụng và tiện ích mở rộng độc quyền của Mastercard được tích hợp vào hệ điều hành Experience OS của Dynamic Yield, giúp khách hàng tăng cường trải nghiệm cá nhân hóa của người dùng trên các kênh kỹ thuật số.

SmartThings cập bến Việt Nam trải nghiệm nhà thông minh dễ dàng

Samsung Vina chính thức giới thiệu tại Việt Nam nền tảng SmartThings, đây là ứng dụng tối ưu hóa các thiết bị gia đình được kết nối, giúp họ làm việc nhà, tăng cường trải nghiệm kể cả lúc ở nhà hay khi ra ngoài thông qua một ứng dụng duy nhất.

FPT cùng Khánh Hoà xây dựng Cổng thông tin xúc tiến đầu tư

Ngày 2/4, trong khuôn khổ Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, Tập đoàn FPT đã ký kết hợp tác toàn diện với Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đồng thời Khai trương Cổng thông tin hỗ trợ xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Ngày hội Game Việt Nam 2023, chắp cánh cho kinh tế số hiện hữu

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, doanh thu ngành game Việt Nam năm 2021 đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng, dự kiến đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, các bước nhảy vọt của ngành game hoàn toàn có thể là điểm sáng cho ngành kinh tế số.

VinaPhone chính thức khóa chiều gọi đi đối với các thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin

Tính đến ngày 31/3/2023, đã có hơn 500.000 khách hàng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao theo thông báo và hướng dẫn của VinaPhone (qua ứng dụng My VNPT, http://my.vnpt.com.vn, các cửa hàng của VinaPhone trên toàn quốc).

Trợ lý thông minh tiếng Việt trên xe hơi, tiềm năng rộng mở

Theo khảo sát của Capgemini, có tới 95% người tiêu dùng sẽ sử dụng trợ lý giọng nói để truy cập thông tin trên ô tô của họ, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho việc này.

Bộ Nội vụ chính thức ra mắt trang Zalo sau 3 tháng thử nghiệm

Sau 3 tháng thử nghiệm, trang Zalo “Bộ Nội vụ” đã thu hút hơn 11.000 lượt người quan tâm, đăng tải hơn 350 tin bài truyền thông giúp người dân, công chức, viên chức tiếp cận các thông tin hữu ích liên quan đến lĩnh vực Nội vụ nhanh chóng, dễ dàng.