“Cũng giống như tất cả mọi người, nếu người nghe nói hằng ngày nói bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu câu chuyện thì người điếc câm cũng nói tương đương bằng việc nhắn tin và chat. Họ trao đổi công việc, mua bán, nói về tình yêu, giận hờn, thậm chí gây gỗ... Internet và điện thoại di động là tiếng nói của người điếc câm”. Đó là khẳng định của anh Đoàn Phạm Khiêm – người điếc câm, Chủ tịch Tổ chức Cộng đồng điếc câm TPHCM (DCOH).
Anh Đoàn Phạm Khiêm (áo thun trắng viền xanh) dạy các kỹ năng tin học cho học viên
Nhiều thiệt thòi, lắm bức xúc Lần theo địa chỉ ghi trên danh thiếp, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được Tổ chức Cộng đồng điếc câm TPHCM. Đó là một căn phòng có diện tích khá khiêm tốn ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật, là nơi sinh hoạt, học hành của 230 hội viên điếc câm, cũng là nơi ăn chốn ở của anh Đoàn Phạm Khiêm – người sáng lập DCOH và mẹ – bà Phạm Cao Phương Thảo.
Câu chuyện ý chí, nghị lực của anh Đoàn Phạm Khiêm, từ một cậu bé bình thường, vì bị bệnh phải tiêm nhiều thuốc dẫn đến bị điếc câm hoàn toàn đã vượt qua bao khó khăn, khổ cực và trở thành là chàng sinh viên điếc câm đầu tiên Việt Nam đậu thủ khoa đại học (đại học Mỹ thuật TPHCM) mà báo chí nhiều lần nhắc đến cảm động lòng người. Anh Khiêm còn là một trong năm người điếc câm biên soạn bộ từ điển ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam để dạy cho người điếc câm trên cả nước. Anh cũng là người điếc câm đầu tiên có chứng chỉ giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam do Sở GD-ĐT Đồng Nai và Trường ĐH Gallaudet (Mỹ) cấp. Hiện nay, ngoài dạy ký hiệu ngôn ngữ cho các hội viên tại DCOH, cứ mỗi thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, anh lại đến trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM dạy miễn phí cho gần 400 sinh viên muốn học ngôn ngữ ký hiệu. Tất cả những nỗ lực này, với chàng trai kém may mắn này chỉ với một mục đích duy nhất là giúp cộng đồng người điêc câm hòa nhập cuộc sống, được nói và được người khác lắng nghe tiếng nói của chính mình.
Theo lời kể của bà Phạm Cao Phương Thảo người điếc câm bị thiệt thòi đủ mọi mặt. Bà Thảo là một người mẹ có thể nói đã vứt tất cả để đồng hành, làm người phiên dịch cho đứa con trai thương yêu không nghe, không nói được của mình trong suốt mấy chục năm qua. Bà hiểu rất rõ suy nghĩ, nỗi niềm của con cũng như của những người điếc câm. Bà Thảo cho biết, cùng là dạng khuyết tật đặc thù, nhưng người khiếm thị, khuyết tật vận động đều được chính phủ trợ cấp hàng tháng, còn người điếc câm thì không. Trong khi người điếc câm đi xin việc làm lại rất khó khăn, đến công ty chưa nộp được hồ sơ thì đã bị bảo vệ từ chối. May mắn được nhận vào làm thì cũng chỉ dăm bảy bữa nửa tháng thế nào cũng bị cho thôi việc vì người chủ không còn đủ kiên nhẫn để giải thích công việc vì bất đồng ngôn ngữ. Tại DCOH hiện có 5 hội viên điếc câm đã qua đào tạo về chuyên
ngành Công nghệ thông tin nhưng đến nay vẫn chưa ai xin được việc làm.
Người điếc câm cũng không được nhận thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, không được khám, chữa bệnh và nhận thuốc chữa bệnh miễn phí từ các dịch vụ y tế công cộng. Nhìn cử chỉ và ánh mắt lo âu của các hội viên nơi đây (và nhờ bà Thảo phiên dịch), chúng tôi hiểu những khó khăn về mưu sinh đã khiến hầu hết các bạn trẻ điếc câm cảm giác lo lắng, bất an cho một cuộc sống gia đình sau này. DCOH là tổ chức điếc câm nghèo, đa phần là người nhập cư, cứ 100 điếc câm thì chỉ khoảng 5 người có việc làm, số người còn lại đều phải tự bươn chải bằng các công việc khác như lượm ve chai, lau kiếng, bưng bê, quét dọn, làm giày da, trà thanh nhiệt, thú móc, thú nhồi bông, thú xếp giấy…
DCOH giúp các học viên làm hoa giấy, trà thanh nhiệt… bán kiếm thêm thu nhập
Không những thiếu công bằng, người điếc câm còn phải chịu nhiều thiệt thòi ngay chính trong cả những “ưu tiên” mà người nghe nói dành cho họ. Anh Khiêm ấm ức cho biết, người nghe nói được học luật giao thông và có bằng lái xe, trong khi người điếc câm muốn được học luật giao thông để tham gia giao thông đúng luật thì lại không được giải quyết. Bà Thảo kể, có lần một nhóm người điếc câm của DCOH bức xúc chuyện này nên quyết định kéo nhau lên Sở Giao thông công chánh để làm cho ra lẽ. Phía Sở đã giải thích rằng người điếc câm không nghe nên không cần bằng lái, mà như thế cũng khỏi phải sợ bị công an… phạt. Nhưng những người điếc câm lúc đó đã sừng cồ lên “Không cần ưu tiên, muốn công bằng bình đẳng, muốn hiểu biết luật giao thông để tham gia giao thông, tuân thủ luật giao thông…”. Ngay cả trong cuộc gặp này, chúng tôi đã được những người điếc câm ra dấu dặn đi dặn lại nhiều lần là khi viết bài đừng dùng chữ khiếm thính, phải dùng chữ điếc câm, và nhớ phải là điếc câm chứ không phải câm điếc, vì cha mẹ nào cũng sinh con điếc tai trước, còn câm không biết nói thì sau này mới biết.
Tâm sinh lý của người điếc câm bị ức chế rất dữ dội, hay bị nhiều người la mà không biết mình đã bị là vì làm sai điều gì. Người khiếm thị tuy đã chịu quá nhiều thiệt thòi song họ vẫn nghe được, họ được nghe lập đi lập lại vấn đề nào đó nhiều lần nên họ sống khéo léo và tế nhị. Người điếc câm không nghe, chỉ múa bằng ngôn ngữ ký hiệu, càng cố làm cho người đối diện hiểu điều họ muốn nói, họ múa dấu càng hăng, lại phải kết hợp cử động trên khuôn mặt, thành ra dễ bị hiểu lầm, dễ gây phản cảm và xung đột với người xung quanh.
Gần đây, việc bổ sung các xướng ngôn viên ở góc truyền hình để múa dấu các bản tin đã được một số đài truyền hình ứng dụng. Song theo ý kiến của anh Khiêm và nhiều người điếc câm thì cách múa dấu truyền thống của xướng ngôn viên không phù hợp với văn hóa của người điếc câm hiện đại, xem xong người điếc câm không hiểu được bản tin trên tivi nói gì. Anh Khiêm lý giải, văn hóa điếc câm rất ngắn gọn, khác hẳn với ngôn ngữ văn hóa nghe nói. Ví dụ, với câu “Mẹ ăn cơm chưa ạ?” – xướng ngôn viên phải múa 6 động tác, thì văn hóa điếc câm chỉ cần ra 2 hoặc 3 dấu “Cơm chưa?”. Thế nên khi xướng ngôn viên chưa múa hết câu thì bản tin đã sang câu kế tiếp, xướng ngôn viên múa theo không kịp, đành phải bỏ lỡ, mỗi câu chỉ kịp múa vài dấu, người điếc câm không hiểu được bản tin là điều hiển nhiên.
Theo số liệu thống kê, cộng đồng người điếc câm riêng tại TPHCM hiện có gần 3.900 – một con số không hề nhỏ. Đó cũng chính là nguyên nhân, động lực khiến anh Đoàn Phạm Khiêm luôn nỗ lực trong việc phổ biến rộng rãi ngôn ngữ ký hiệu ra xã hội, để ngôn ngữ ấy được đến với nhiều người, tạo nhiều điều kiện cho người điếc câm được học tập, làm việc và hòa nhập gia đình, xã hội thuận tiện hơn. Trong tương lai, anh Khiêm mong muốn xây dựng một quần thể cho người điếc câm, trong đó bao gồm trường học, xưởng sản xuất, trụ sở hội người điếc câm, nhà dưỡng lão, khu vui chơi… Anh cũng rất tâm đắc với dự án “Phòng chống và đẩy lùi vấn nạn bạo hành cho phụ nữ điêc câm”.
Niềm vui khi điện thoại báo tin nhắn đến
Internet, điện thoại – một phần của cuộc sống Học chuyên ngành Mỹ thuật, nhưng anh Khiêm khá rành về công nghệ, tất cả những điều này đều do anh tự học lấy hoặc học từ các bạn học viên điếc câm đã được đào tạo chuyên ngành CNTT. Anh Khiêm là người đã lập ra tổ chức và thiết kế nên website của DCOH. Nói đến vai trò của internet trong cuộc sống, học tập của mình, anh Khiêm ví đó là một người thầy, một người bạn tuyệt vời. Người điếc câm không có trường cấp 3 hay đại học, cao đẳng riêng, muốn học lên các cấp này họ phải học chung với người nghe nói. Càng lên cao người điếc câm học càng vất vả, khi giáo viên giảng bài phải nhìn vào khẩu hình nói của giáo viên để đoán ý. Vì vậy người điếc câm tự học là chính, học qua sách, tài liệu mượn ở thư viện hoặc tra cứu tải về trên mạng. Hai chiếc máy tính và bàn ghế hiện có tại DCOH cũng do anh Khiêm lên mạng xin về. Bạn bè khắp nơi, nhiều mối tình của người điếc câm cũng được nảy nở từ thế giới mạng.
Hiện ngoài được phổ cập ngôn ngữ ký hiệu, xóa mù chữ, các hội viên điếc câm DCOH còn được học thêm về sử dụng máy tính, và được bà Thảo bổ sung các kiến thức về pháp luật, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng xã hội, kỹ năng làm việc nhóm (bà Thảo xuất thân từ Luật khoa, Sài Gòn). Vì không nói và nghe được, người điếc câm chỉ nghe bằng mắt nên có thể dễ dàng nhận thấy kỹ năng chat trên máy tính và kỹ năng nhắn tin trên điện thoại của những học viên điếc câm nơi đây vô cùng điêu luyện. Họ chat lia lịa cùng lúc với nhiều người, như thể chỉ có bàn phím và phải gõ nhanh, hết tốc lực như thế mới ghi hết được những gì họ đang muốn nói, điều mà họ không thể tìm thấy khi múa dấu hoặc phải viết bằng bút. “Cũng giống như tất cả mọi người, người nghe nói hàng ngày nói bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu câu chuyện thì người điếc câm cũng nói tương đương bằng việc nhắn tin và chat. Họ nói về tình yêu, trao đổi công việc, mua bán, giận hờn, thậm chí gây gổ…” – anh Khiêm nói.
Bà Phương Thảo đang dạy các học viên hát
Cũng từ ngày có chiếc điện thoại di động, cuộc sống của người điếc câm càng trở nên cởi mở, vui vẻ hơn. Trung bình mỗi ngày một người điếc câm nhắn đi khoảng 40 tin nhắn. Đối với những bạn trẻ, nhất là những bạn đang yêu thì có thể lên đến 70 – 80 tin nhắn mỗi ngày là chuyện bình thường. Cũng nhờ chiếc điện thoại di động, người điếc câm dễ bày tỏ tình cảm, quan điểm và những người sống xung quanh theo đó cũng phần nào hiểu nhau hơn. L.N.C – một hội viên điếc câm DCOH đã nhanh nhẩu ví tầm quan trọng của chiếc điện thoại (bằng cách bấm phím điện thoại viết tin) rằng: “điện thoại đối với những người điếc câm chúng tôi là thay lời muốn nói, đã nói hộ cái miệng không nói được của chúng tôi”. Nhìn mỗi người khư khư cầm chặt chiếc điện thoại trong tay, chúng tôi chợt nghĩ, chắc khi phát minh ra chức năng nhắn tin trên điện thoại di động, các nhà sản xuất hẳn đã chưa kịp nghĩ đến những tiện lợi mà họ sẽ mang đến cho những người điếc câm diệu kỳ đến thế.
Góc thiện nguyện
Anh Khiêm chỉ nhắn nhủ với chúng tôi rằng, vì Tin học & Đời sống là một tờ báo công nghệ lớn và uy tín, có mối quan hệ rộng với các hãng công nghệ, các đơn vị phân phối, bán lẻ ngành hàng công nghệ. Anh muốn, nếu được Tin học & Đời sống giới thiệu hoặc làm cầu nối giúp anh mua được một số model thiết bị kỹ thuật số nào tốt, giá rẻ mà DCOH đang rất cần để phục vụ phổ cập ngôn ngữ ký hiệu miễn phí cho nhiều người điếc câm và người nghe nói. Các thiết bị này nhằm thực hiện dự án quay thành các video clip dạy ngôn ngữ ký hiệu, đóng gói thành đĩa hoặc đưa lên trên mạng để nhiều người cùng học mà anh Khiêm đang ấp ủ. Gồm:
– 1 máy chụp hình chuyên nghiệp hiệu NIKON. – 1máy quay phim chuyên ngành. – 1 máy laptop chuyên để vẽ thiết kế đồ họa, thiết kế băng rôn, thiết kế tập san… – 1 máy chiếu dùng để giảng dạy, ý nghĩa là khi sử dụng vẫn để đèn sáng trong phòng cho sinh viên, học sinh vừa xem chương trình, vừa theo dõi giáo viên phân tích giảng dạy. |
Đơn vị, tổ chức nào tài trợ, hoặc có mức giá bán hỗ trợ, liên hệ với tòa soạn, hoặc liên hệ trực tiếp với Tổ chức Cộng đồng điếc câm TPHCM – điện thoại 08-38350050, 0907751538. Bạch Đông
Tin học & Đời sống tháng 3.2013