Điện thoại di động ngày nay không đơn thuần chỉ là thiết bị dùng để “a-lô” , nó đã và đang trở thành một phương tiện hỗ trợ đắc lực cho việc kinh doanh, giải trí… Việc nắm bắt nhanh, chính xác thị hiếu sử dụng di động của người dùng là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp/thương hiệu tạo đột phá trong kinh doanh, thu hút nhiều khách hàng. Nghề thiết kế các ứng dụng trên di động dành cho các bạn trẻ yêu công nghệ theo đó đang có rất nhiều đất dụng võ.
Sinh viên trong những buổi học cơ bản về điện thoại (ảnh minh họa)
Đất mỡ, chờ giống tốt Gần đây, công ty Ericsson đã công bố nghiên cứu mới nhất của họ về số lượng thuê bao di động trên toàn thế giới, tính tới quý 1 năm 2012, số lượng thuê bao di động 2012 là 6,2 tỉ; số lượng thuê bao di động mới trong một quý là 170 triệu và lưu lượng dữ liệu toàn cầu sẽ tăng gấp 15 lần tính tới năm 2017.
Thị trường mobile tại Việt Nam đến cuối năm 2011 có khoảng 45 triệu người dùng mobile, chiếm khoảng 45% dân số VN (tính theo dân số VN là 90 triệu dân). Tốc độ phát triển của mobile cao hơn rất nhiều so với tốc độ phát triển của Internet. Internet hiện tại theo số liệu thống kê từ Bộ TT&TT được khoảng 32 triệu người dùng Internet, trong khi mobile mới phát triển thực sự trong khoảng 3-5 năm đã đạt 45 triệu thuê bao”. Cũng theo thông tin từ Bộ TT&TT, tính đến cuối tháng 12/2011, Việt Nam đã có hơn 16 triệu thuê bao di động 3G, tăng hơn 3,2 triệu so với 12,8 triệu thuê bao 3G mà Bộ TT&TT đã công bố trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 vào đầu tháng 1/2012.
Thị trường smartphone cũng được các
doanh nghiệp sản xuất theo giá cả bình dân ngày càng nhiều. Nếu như vài năm trước đây, để sở hữu được một chiếc smartphone, người dùng phải bỏ ra đến chục triệu đồng, bây giờ chỉ cần 2-3 triệu đồng cũng đã có một chiếc smartphone chạy hệ điều hành Android… Việc giao dịch mua bán (
thương mại điện tử), lĩnh vực giải trí, quảng cáo, Social Media (mạng xã hội)… qua
điện thoại di động đang ngày càng phát triển. Điện thoại đang trở thành một công cụ thanh toán, giải trí, kết nối hữu hiệu và nhanh chóng không thể thiếu của mỗi người. Lượng truy cập tin tức qua điện thoại di động của người dân cũng tăng cao trong vài năm gần đây. Tại trang dantri.com.vn, lượng người đọc trên bản mobile đã đứng thứ 2 tại Việt Nam (chỉ sau Google). Và theo thống kê thì 1 ngày có gần 1 triệu lượt truy cập vào Dân trí từ mobile.
Nhu cầu sắm smartphone lớn, cộng với các nhà sản xuất tích cực cho ra các sản phẩm giá bình dân nhưng chất lượng tương đương “thượng lưu”, đã kéo theo những
nhà cung cấp dịch vụ nội dung số vào cuộc chơi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo đánh giá của những người trong ngành, chúng ta chủ yếu làm gia công các ứng dụng – tức làm theo nội dung, thiết kế mà nước ngoài yêu cầu chứ chưa có sự sáng tạo của chính mình. Các ứng dụng của chúng ta tự làm thường không đủ độ hấp dẫn, tinh tế, các đồ họa thì thường cẩu thả, nội dung nhàm chán…
Để có một ứng dụng hoàn hảo Vậy để có thể khai thác tốt được các lĩnh vực mobile này, câu hỏi đặt ra là làm sao để xây dựng được một sản phẩm mobile tốt? Tin học & Nhà trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khối thương mại điện tử, công ty Cổ phần truyền thông Việt Nam (VC Corp.,) về khái niệm “5W-1H” (What? Why? When? Where? Who?- How?) và 7 nguyên tắc mà mỗi người làm thiết kế ứng dụng (Application hay App) nên biết.
Theo ông Tuấn diễn giải, 5W bao gồm: What – khi xác định làm một App, chúng ta cần xác định làm cái gì, App cho trẻ em hay cho người lớn, cho dân văn phòng hay cho người buôn bán tự do? Why – phải trả lời được câu tại sao chúng ta phải làm App này, mục tiêu, điều gì thôi thúc khiến chúng ta phải làm? When – làm khi nào, tung ra khi nào thì thích hợp? Ví dụ như Angry Birds có chiến lược là mùa trung thu họ ra bản Angry Birds trung thu, lễ Hallowen ra bản Angry Birds Hallowen, giáng sinh ra bản giáng sinh… Tức là họ đã đánh đúng nhu cầu thị hiếu của người dùng. Where – triển khai App ở đâu, nhắm tới thị trường toàn cầu hay trong nước, cụ thể là ở thị trường Nhật Bản hay là thị trường Mỹ? Bởi vì mỗi một nơi nó có một thị hiếu khác nhau. Who – xác định rõ ai là người làm App này? Lẽ dĩ nhiên không thể giao App cho người không am hiểu về App.
Khi đã xác định được “5W” rồi, bước quan trọng tiếp theo là chúng ta nên làm thế nào – đấy chính là 1H (How), làm bao lâu, làm thế nào cho đầy đủ? Để làm được những điều trên, chúng ta cần áp dụng 7 nguyên tắc:
Nguyên tắc 1 – Quên đi những cái gì chúng ta biết. Ông Tuấn phân tích, có nhiều người nghĩ họ sử dụng thành thạo mobile nên sành sỏi trong vấn đề làm việc với mobile, nên cứ ỷ y tất cả các vấn đề mobile đưa ra đều sẽ giải quyết được. Đấy là một lối nghĩ hoàn toàn sai lầm. Bởi tâm lý, sở thích và thị hiếu của người dùng rất “quái đản”, thay đổi nhanh, những sản phẩm làm theo ý chúng ta có thể rất tốt nhưng khi ra thị trường có khi chẳng ai đón nhận.
Nguyên tắc thứ 2 – Những gì mà chúng ta nhìn thấy không phải là những gì chúng ta được đọc trên báo chí, trên sách vở, mà thực tế mới chính là cái diễn ra”. Nhiều khi các bạn áp dụng các nguyên lý, lời khuyên trên sách vở và chúng ta làm theo có thể sẽ thất bại. Chúng ta cần phải khảo sát thị hiếu người dùng thực tế, phải biết nắm bắt nhu cầu từng thời điểm để biết được rằng hiện tại người dùng đang cần gì để chúng ta làm.
Nguyên tắc thứ 3 – Rào cản phải được để ý đến đầu tiên. Khi chúng ta thực hiện, nhìn thấy rào cản thì phải phá bỏ cái rào cản đó, như thế chúng ta mới làm được sản phẩm đứng đầu. Chẳng hạn như Apple, họ đã phá bỏ được rào cản tất cả các sản phẩm smartphone của Nokia rất tốt trước đó.
Nguyên tắc thứ 4 – Tập trung vào những yếu tố chính, cần thiết để thiết kế sản phẩm. Màn hình mobile rất bé, màn hình mobile to nhất hiện khoảng 5inch, thông thường chỉ khoảng từ 4 đến 4,3inch. Vì vậy cần biết cách thiết kế các ứng dụng ưu tiên.
Nguyên tắc thứ 5 – Chúng ta không thể hỗ trợ được mọi thứ. Mọi người làm thường hay vướng vào yếu tố sản phẩm làm ra phải chạy được trên tất cả các hệ điều hành (Android, iOS, Symbian, Windows Phone, Black Berry… Lời khuyên là chúng ta chỉ nên làm cho nó chạy thật tốt trên một hệ điều hành. Như ứng dụng đọc báo Flipboard ban đầu chạy duy nhất trên hệ điều hành iOS với 8,4 triệu lượt tải trên toàn thế giới từ khi nó được phát hành vào mùa hè năm 2010. Mới đây ứng dụng đã được tích hợp trên cả smartphone Android.
Nguyên tắc thứ 6 – Đừng convert lại các sản phẩm của người khác mà hãy tự tạo. Đôi khi chúng ta copy, convert lại sẽ có những khó khăn, những sự cố xảy ra trong quá trình làm mà chúng ta không thể nhận biết được. Ngược lại, chỉ khi chúng ta làm trực tiếp, chúng ta mới nhận biết được những khó khăn và giải quyết triệt để vấn đề, khi đó chúng ta mới tạo ra được sản phẩm hoàn hảo.
Nguyên tắc cuối cùng – Hãy giữ mọi thứ đơn giản. Apple thành công vì thiết kế của họ tuân theo triết lý đơn giản. Trước đây, các smartphone có rất nhiều nút khác nhau, Apple chỉ dùng đúng 1 nút Home duy nhất. Hoặc như một số người thắc mắc tại sao Apple lại không có cổng ADSL hay các cổng hỗ trợ khác? Apple trả lời rằng, một năm người dùng chỉ sử dụng vài ba lần thì đưa ra những cái đó để làm gì? Tốt hơn hết là bỏ nó đi và chỉ tập trung và những cái người dùng thực sự cần.
Khi chúng ta làm được một sản phẩm tốt rồi, công việc tiếp theo mà chúng ta không thể làm đó là giới thiệu sản phẩm ra đông đảo công chúng dùng thử để có được các đánh giá. Do đó, vấn đề quản lý và phát triển ứng dụng càng là tối quan trọng. Ngày nay việc tiếp thị các sản phẩm nói chung, các ứng dụng nói riêng có thể thông qua khá nhiều cách: truyền miệng, mạng xã hội, các diễn đàn, báo điện tử, báo giấy chuyên ngành… Lúc đã tạo được hiệu ứng tốt, nhiều người dùng cảm khái về ứng dụng, các đơn vị truyền thông đôi khi còn sẵn sàng quảng cáo miễn phí cho bạn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khối thương mại điện tử, Công ty Cổ phần truyền thông Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm làm App chuyên nghiệp với đông đảo bạn trẻ, sinh viên.
Quỳnh Trang
Tin học & Nhà trường 156 – Tháng 9.2012