Phát triển các Khu công nghiệp số nên được ưu tiên hàng đầu

Quá trình chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra rộng khắp nhưng hình như thiếu hình mẫu hội tụ. Thực tế cho thấy, về mọi mặt, không có điểm mẫu CĐS nào tốt hơn là các Khu công nghiệp (KCN) số. Vì vậy, phát triển các KCN số nên được ưu tiên hàng đầu.

Mở đầu

Theo Bộ KHĐT, đến nay (số liệu năm 2022), các KCN, khu kinh tế (KKT) đã có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 403 KCN, 18 KKT ven biển và 26 KKT cửa khẩu. Các KCN, KKT đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD (trong đó, tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD).

Những số liệu này khẳng định các KCN, KKT là hạt nhân của nền kinh tế Việt Nam. Một câu hỏi rất tự nhiên là “Các KCN, KKT này cần chuyển đổi số như thế nào để xứng tầm là hạt nhân của nền kinh tế số Việt Nam tương lai?”. Đây là một vấn đề thực sự nghiêm túc và cần được ưu tiên vì nếu không chuyển đổi số hoặc chuyển đổi số không đúng cách thì chính các KCN, KKT này lại kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế số và không thu hút được các nhà đầu tư thế hệ mới – các nhà đầu tư phát triển doanh nghiệp số, doanh nghiệp thông minh.

Bài toán chuyển đổi số các KCN, KKT (dưới đây gọi chung là các KCN) đề cập tới hàng loạt vấn đề: CĐS các KCN hiện hữu, CĐS các doanh nghiệp trong các KCN hiện nay, thiết kế và xây dựng các KCN số mới, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số, CĐS Ban Quản lý các KCN, phát triển hệ sinh thái kinh tế KCN số,… Bài này, qua nghiên cứu thực tế, chúng tôi xin chia sẻ một số nội dung liên quan để bạn đọc tham khảo.    

Sức ép từ yêu cầu phát triển nền kinh tế số

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt và ban hành từ đầu năm 2020, trong đó, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số là những mục tiêu trọng tâm. Kinh tế số là nền kinh tế hoạt động theo phương thức sản xuất số. Việc xây dựng nền kinh tế này cần đến hệ sinh thái kinh tế số bao gồm các KCN số (digital industrial zones), các doanh nghiệp số (digitalized enterprises), môi trường đầu tư kinh doanh số, logistics số, nhân lực số, quản lý nhà nước số (hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền số),… Vì xuất phát từ nền kinh tế tuyến tính nên quá trình phát triển kinh tế số ở nước ta cần được tiến hành song song và tích hợp với kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Tất cả những yêu cầu này tạo ra thách thức cho công cuộc chuyển đổi số cho nền kinh tế Việt Nam mà chắc chắn chúng ta phải vượt qua vì đó là quá trình tất yếu.

Chuyển đổi số các KCN hiện có

Tất cả 447 KCN hiện có ở nước ta đều được thành lập để phát triển kinh tế điện tử (e-Economy: Nền kinh tế ứng dụng CNTT vào sản xuất và quản lý). Để phát triển kinh tế số, các KCN này cần được trang bị hạ tầng số và thông minh hóa hạ tầng kỹ thuật.

Phát triển các Khu công nghiệp số nên được ưu tiên hàng đầu - gjyjyk
Hình 1: Minh họa hạ tầng số các khu công nghiệp (Nguồn: Internet)

a. Xây dựng hạ tầng số

Hạ tầng số trong KCN cần trang bị gồm các thành phần:

  • Hạ tầng IoT: Đây là hạ tầng “khởi đầu cho mọi thay đổi” mà trước đây chưa có. Nó làm nhiệm vụ thu thập tự động các dữ liệu về trạng thái của các hoạt động trong KCN theo thời gian thực. Nhờ có hạ tầng này mà “phiên bản số” của tất cả các thực thể tham gia vào hệ sinh thái kinh tế số trong KCN được tạo ra và liên tục cập nhật. 
  • Hạ tầng kết nối và lưu trữ dữ liệu.
  • Hạ tầng dữ liệu: Là thành phần quan trọng nhất trong hạ tầng số của KCN. Nó lưu trữ tất cả các dữ liệu được số hóa của KCN và là tài sản quý nhất của KCN vì mọi hoạt động trong KCN đều dựa vào dữ liệu hay được điều hướng bởi dữ liệu (data driven)
  • Hạ tầng ứng dụng: Là “kho” các công cụ phát triển các ứng dụng số như các nền tảng số, các tiện ích số,… để phục vụ các doanh nghiệp trong KCN. Hạ tầng ứng dụng càng phong phú và càng chuyên nghiệp thì năng lực cạnh tranh của KCN càng cao.
  • Hạ tầng pháp lý: Là những căn cứ pháp lý của trung ương và địa phương đảm bảo cho các hoạt động kinh tế số của KCN và quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong KCN diễn ra thuận lợi.
  • Hạ tầng nhân lực: Là lực lượng chuyên gia am hiểu về công nghệ số và các nguyên lý hoạt động của nền kinh tế số quản lý và vận hành hạ tầng số KCN một cách hiệu quả nhất.

Trong các thành phần trên, trừ hạ tầng pháp lý thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý KCN, tất cả còn lại đều có thể (và nên) thuê dưới dạng dịch vụ từ các nhà cung cấp hạ tầng số chuyên nghiệp.

b. Thông minh hóa hạ tầng vật chất kỹ thuật

Hạ tầng vật chất kỹ thuật trong KCN bao gồm: Hệ thống điện, cấp nước, thoát nước, đường sá, giao thông, giám sát môi trường trong KCN và các thành phần khác. Phát triển KCN số cần thông minh hóa các thành phần hạ tầng này. Cụ thể là:

  • Thông minh hóa hệ thống điện: Quản lý cung cấp điện thông minh phục vụ sản xuất, chiếu sáng thông minh. Phát triển kinh tế tuần hoàn năng lượng trong các KCN bằng giải pháp sản xuất điện mặt trời bằng tấm panel áp mái các nhà xưởng trong KCN được kiểm soát tự động bằng công nghệ số,…
  • Thông minh hóa mạng lưới đường sá và giao thông trong KCN: Lắp ráp hệ thống IoT giám sát trạng thái hạ tầng, sử dụng phương tiện vận chuyển không người lái trong KCN,…  
  • Thông minh hóa cấp, thoát nước: Quản lý và điều phối cấp, thoát nước thông minh, thực hiện tuần hoàn nước (xử lý nước thải và tái sử dụng, khai thác nước mưa thông minh, xử lý ngập thông minh),…
  • Giám sát môi trường thông minh: Giám sát các nguồn gây ô nhiễm môi trường (ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn,…) bằng hệ thống tự động thông minh.

Các thành phần trên có thể đầu tư trang bị dần dần theo phương pháp module, triển khai tới đâu sử dụng đến đó, từng bước nâng cao dần độ trưởng thành số của các công trình.

Thiết kế các KCN số mới

Xây dựng mới KCN số dễ hơn là cải tạo KCN cũ vì có thể chủ động đưa ngay vào khâu thiết kế các hạng mục thông minh hóa và xác định lộ trình hoàn thiện các hạng mục đó. Các KCN số mới có những đặc điểm khác biệt so với KCN truyền thống vì các nhà đầu tư thế hệ mới đều quan tâm hàng đầu tới môi trường đầu tư kinh doanh số tại KCN mà họ lựa chọn bởi nó sẽ quyết định tới tốc độ phát triển và độ ổn định của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số với những làn sóng công nghệ liên tiếp thay đổi, kế tiếp nhau chỉ sau vài năm.   

Ngoài hạ tầng số và hạ tầng vật chất kỹ thuật thông minh đã đề cập ở trên, các KCN số mới cần đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ số cho các doanh nghiệp đầu tư vào KCN số mới này. Đây là lĩnh vực vô cùng phong phú và là thước đo về “độ trưởng thành số” của một KCN số. Thực chất, đây là các dịch vụ thông minh do nhiều tổ chức, đơn vị cung cấp: Các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công số, các nhà cung cấp chuyên nghiệp khác cung cấp các dịch vụ marketing, thương mại, đào tạo, bảo hiểm, tài chính, logistics, chăm sóc sức khỏe công nhân,…) tất cả đều trên các nền tảng số.

Các KCN số mới có khả năng thu hút nhà đầu tư ngay từ khâu thiết kế mà không cần chờ tới khi hoàn thiện. Đôi khi, chủ đầu tư KCN số còn đối thoại với các nhà đầu tư tiềm năng để cùng thiết kế KCN số tương lai nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các nhà đầu tư.

CĐS các doanh nghiệp hiện hữu

Chắc chắc các doanh nghiệp đã đầu tư vào 447 KCN hiện có cần chuyển đổi số. Việc hỗ trợ họ CĐS thành công mang nhiều ý nghĩa cả kinh tế, xã hội và môi trường. Ở đây có 2 nhóm DN là DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước. Các DN này CĐS theo cách thức khác nhau.

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài thường áp dụng công nghệ của công ty mẹ ở nước ngoài. Vì vậy, họ có xu hướng chờ sự thay đổi trong nội bộ của mình. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vẫn có những khả năng hỗ trợ tích cực cho quá trình CĐS của họ. Thứ nhất là giải pháp tự động thu thập bằng IoT và cập nhật dữ liệu cho các ứng dụng mà DN đang sử dụng thông qua API. Giải pháp này trực tiếp cải thiện chất lượng dữ liệu và giảm chi phí thu thập dữ liệu mà không ảnh hưởng tới (cũng không can thiệp vào) hệ thống ứng dụng đang vận hành. Thứ hai là cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số để các DN FDI có thể tiếp cận thị trường 100 triệu dân trong nước một cách thuận tiện.

Đối với đại đa số các DN Việt Nam đầu tư vào các KCN, phương án hỗ trợ CĐS đơn giản nhưng hiệu quả nhất là thu hút họ tham gia vào “Hệ sinh thái số của KCN” nơi có sẵn các dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ như thu hút vốn đầu tư, tự động hóa quy trình sản xuất, logistics, thương mại số D2C, hạch toán tự động,… đảm bảo khi tham gia, DN sẽ nhận được những lợi ích hơn hẳn (về doanh số, lợi nhuận, tiến bộ,…) so với đứng ngoài. Họ tự thay đổi phương thức sản xuất khi tham gia hệ sinh thái này.

Phát triển các Khu công nghiệp số nên được ưu tiên hàng đầu - trtytrhhhj


Hình 2: Doanh nghiệp trong hệ sinh thái số của KCN

Thu hút các doanh nghiệp công nghệ số

Linh hồn của nền kinh tế số là công nghiệp công nghệ số. Vì vậy, việc thu hút các doanh nghiệp công nghệ số vào các KCN nên đặt ra như mục tiêu quan trọng hàng đầu, trong đó, những nhà đầu tư cần mời gọi trước tiên là:

  • Các DN vi mạch bán dẫn: Công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành chủ lực của công nghiệp công nghệ số. Quốc gia nào phát triển được công nghiệp bán dẫn sẽ chủ động được công cuộc phát triển của mình. Ở nước ta, phương án hợp lý là phát triển công nghiệp bán dẫn theo hướng đóng gói vi mạch (packaging) dựa trên công nghệ 2.5D. Những con chip có kích thước hàng chục thậm chí hàng trăm nm (nano mét) hoàn toàn phù hợp với yêu cầu tự động hóa các quy trình trong hầu hết các lĩnh vực KTXH của nước ta trong 10 – 15 năm tới.      
  • Các nhà đầu tư phát triển công nghệ lõi (như IoT O.S, CPS…), chế tạo máy móc, thiết bị thông minh (như máy cơ khí thông minh, máy nông cụ thông minh, thiết bị bảo vệ an toàn thông minh,…) và các sản phẩm thông minh (như đồ dùng thông minh các loại) hoặc cung cấp các dịch vụ thông minh (như đào tạo, tư vấn, chăm sóc sức khỏe,…).

Trong một KCN số, những nhà đầu tư này có vị trí trung tâm và sự xuất hiện của họ luôn tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư khác.

Tạm kết

Muốn phát triển nền kinh tế số thì cần nhanh chóng xây dựng các KCN số vì đó là “bộ mặt kinh tế số” của quốc gia -­ nơi có điều kiện thực hiện nhất. Ở đây có thể thấy rõ mối tương tác chặt chẽ giữa các bên tham gia (hình 2) nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh số cho các DN phát triển, sự thiếu hụt từ một thành phần sẽ ảnh hưởng lên toàn bộ hệ sinh thái số.

Có thể khẳng định, quá trình chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra rộng khắp nhưng hình như thiếu hình mẫu hội tụ. Thực tế cho thấy, về mọi mặt, không có điểm mẫu CĐS nào tốt hơn là các Khu công nghiệp (KCN) số. Vì vậy, phát triển các KCN số nên được ưu tiên hàng đầu.

Có thể bạn quan tâm
Amanotes xây hệ sinh thái cho trải nghiệm âm nhạc cá nhân

Amanotes, công ty âm nhạc tương tác nổi tiếng của Việt Nam đưa ra mục tiêu xây dựng hệ sinh thái âm nhạc tương tác hàng đầu thế giới nhằm giúp người dùng có thể chủ động trải nghiệm âm nhạc theo sở thích cá nhân.

9.000 lượt đăng ký dự tuyển thử vào các lớp đầu cấp bằng Zalo tại hà Giang

Lần đầu tiên triển khai tiếp nhận đăng ký tuyển sinh đầu vào các cấp bằng Zalo, Sở GD&ĐT Hà Giang nhận được nhiều phản hồi tốt

Ví Trả Sau MoMo nhận giải thưởng Sao Khuê vì giúp “bình dân hóa” tín dụng

Ngày 28/4/2023 vừa qua, Ví Trả Sau trên MoMo đã được vinh danh là “Top 10 Sao Khuê năm 2023” – giải thưởng thường niên do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức.

Google mở cửa chương trình Growth Lab cho các nhà phát triển ứng dụng Việt Nam

Trong hai năm 2021 và 2022, Gaming Growth Lab của Google là chương trình đào tạo dành riêng cho các nhà phát triển game. Trong năm 2023 Google mở rộng chương trình nhằm hỗ trợ các nhà phát triển nằm ngoài lĩnh vực game mobile, bao gồm các nhà phát triển ứng dụng di động Công cụ & Tiện ích (Tools and Utilities), đồng thời cung cấp quyền truy cập mở vào nội dung đào tạo của chương trình.

Cần nhanh chóng xây dựng các trường trung học số

Phương pháp giáo dục truyền thống có nhiều hạn chế, trong đó, nổi bật hơn cả là hạn chế về phương pháp và chương trình giáo dục, về áp lực từ thành tích học tập và sự thiếu tự chủ của học sinh, về cơ sở vật chất và hạn chế trong quản lý nhà trường.

Ứng dụng thanh toán số vào kinh doanh ẩm thực, tặng 50.000 thiết bị SmartBox cho các tiểu thương

SmartPay – doanh nghiệp cung cấp các giải pháp tài chính công nghệ, hỗ trợ kinh doanh vừa phối hợp cùng Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm về chủ đề “Doanh nghiệp F&B với thanh toán điện tử”. Thói quen người dùng đã thay đổi, công nghệ cũng sẵn sàng, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, đã đến lúc ăn tô hủ tiếu bên đường cũng có thể “quẹt thẻ”.

Trợ lý tiếng Việt Kiki sẽ lên hệ thống đầu giải trí hãng xe Hàn Quốc

Ngày 25/4, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Hạ tầng Ô tô Thành Công (TCMS), công ty TNHH Motrex (Hàn Quốc) và Zalo AI đã ký kết hợp tác, chính thức tích hợp trợ lý tiếng Việt Kiki lên hệ thống đầu giải trí do Motrex sản xuất.

Amazon bảo vệ Quyền Sở Hữu Trí Tuệ trong xuất khẩu của đối tác bán hàng Việt Nam

Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/04), Amazon Global Selling Việt Nam công bố các xu hướng mới nhất về xây dựng- bảo hộ thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong xuất khẩu trực tuyến của các đối tác bán hàng Việt Nam.

Visa cập nhật lộ trình An ninh Thanh toán tại Việt Nam

Visa vừa công bố loạt giải pháp bảo mật thanh toán mới tại Việt Nam nhằm chống tội phạm mạng, bảo vệ hệ sinh thái thanh toán cũng như đảm bảo an toàn cho người dùng và doanh nghiệp.

AI là công nghệ then chốt thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới

Sự ứng dụng rộng rãi của AI đã và đang làm thay đổi bộ mặt của công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực, bao gồm chăm sóc sức khỏe, viễn thông, tài chính, sản xuất, giáo dục và tất nhiên ngay cả những giải pháp CNTT.