Doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số thế nào để thoát khuyết, phát huy ưu điểm?

Chuyển đổi số (CĐS) là con đường giải thoát ngoạn mục cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) khỏi những hạn chế và phát huy mạnh mẽ những ưu điểm của mình. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần phải có sự tham gia của chuỗi liên kêt số. Chuyên gia Nguyễn Tuấn Hoa đã phân tích rõ hướng đi này trong bài viết dưới đây.

Mở đầu

Theo số liệu thống kê năm 2022, cả nước có 870.000 doanh nghiệp, trong đó, DNVVN chiếm 98% (vietnamplus.vn). Các DNVVN có nhiều ưu điểm như tính linh hoạt trong vận hành doanh nghiệp trước những thay đổi của thị trường, khả năng điều hướng nhanh nhạy trong quản lý hàng hóa kinh doanh, có thể thay đổi nhân sự, nhân viên một cách dễ dàng, mức chi phí đầu tư cho quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp không quá cao và khả năng thu hồi vốn nhanh. Bên cạnh đó, các DNVVN cũng có không ít hạn chế, thấy rõ nhất là: Thiếu vốn, thiếu nhân sự giỏi, thiếu giải pháp công nghệ cao, khó tiếp cận thị trường và chi phí gián tiếp cao. Trong đó, thiếu giải pháp công nghệ và chi phí gián tiếp cao được nhiều chuyên gia cho là những hạn chế lớn nhất.

Trong bối cảnh đó, DNVVN sẽ chuyển đổi số như thế nào? Khi chuyển đổi số (CĐS), các đặc điểm cả ưu và khuyết của DNVVN đều ảnh hưởng trực tiếp lên việc lựa chọn giải pháp chuyển đổi của doanh nghiệp. Nhiều người cho rằng với những hạn chế nêu trên, các DNVVN gặp rất nhiều khó khăn khi CĐS. Một cuộc khảo sát gần đây của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KHĐT cho biết khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số chiếm vị trí cao nhất với 60,1% ý kiến đồng thuận; Khó khăn trong thay đổi thói quen kinh doanh 52,3%; Thiếu nhân sự nội bộ đáp ứng CĐS  52,3%,… Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại: CĐS là con đường giải thoát ngoạn mục cho các DNVVN khỏi những hạn chế của mình và phát huy mạnh mẽ những ưu điểm của mình. Chúng tôi thiên về hướng này.

Bản chất của CĐS

CĐS là quá trình chuyển đổi dạng thức sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp để tận dụng được sức mạnh của công nghệ số. Điều này có nghĩa là để CĐS, doanh nghiệp cần sáng tạo ra quy trình SXKD mới dựa trên công nghệ số chứ không phải ứng dụng CNTT để hoàn thiện quy trình cũ.

Nhờ công nghệ số, quy trình SXKD mới có những đặc điểm sau: Mọi dữ liệu phát sinh khi thực hiện quy trình SXKD được thu thập tự động bởi các thiết bị IoT theo thời gian thực; Dữ liệu được xử lý ngay tại thời điểm phát sinh; Các tác vụ (operation) trong quy trình SXKD được thực hiện theo cơ chế tự động thông minh (tự động thực hiện khi được phép hay dưới sự hướng dẫn của con người); Các tiến bộ công nghệ của thời đại được áp dụng trong quy trình SXKD luôn được cập nhật một cách linh hoạt.

Những đặc điểm này tạo ra một phương thức sản xuất hoàn toàn mới gọi là phương thức sản xuất số. Bản thân những quy trình SXKD mới này được gọi là các quy trình SXKD số (digitalized business processes). Thiết kế và vận hành thành công các quy trình SXKD số này là nội dung cơ bản của quá trình CĐS ở bất cứ doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ.

Như thế, vấn đề cốt yếu là các DNVVN sẽ thiết kế và vận hành quy trình SXKD số của mình như thế nào? Ở đây chỉ có 2 lựa chọn: Tự thiết kế hay tham gia vào các chuỗi liên kết số đã được thiết kế sẵn các quy trình SXKD số.

Hướng tự thiết kế

Đây là hướng dành cho các doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức hay doanh nghiệp nghiêng về nghiên cứu khoa học và thiết kế kỹ thuật như các viện nghiên cứu, trung tâm đo đạc, thiết kế công trình, trung tâm logistics, cảng,… nói chung là các doanh nghiệp có khả năng tự vận động và quy trình SXKD của mình có những đặc điểm riêng.

Những doanh nghiệp trong nhóm này thường chuyển đổi số bắt đầu từ việc “thông minh hóa” các ứng dụng đã vận hành ổn định và còn phát huy được vai trò trong hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Ví dụ như các hệ thống TOS điều hành cảng hay CMG, PANSYSTEM, HYSYS áp dụng trong ngành Dầu Khí. Theo đó, người ta nghiên cứu và lựa chọn giải pháp thu thập dữ liệu tự động theo thời gian thực bằng các IoT để cung cấp trực tiếp cho các hệ thống ứng dụng này thông qua API của chúng. Cách làm này không chỉ nâng cao kết quả hoạt động của các hệ thống hiện hữu so với trước đó mà còn tạo ra khả năng tương tác giữa các hệ thống  (interoperability of systems), giúp các hệ thống độc lập trước đây “nói chuyện” được với nhau thông qua các đại diện số (digital rep) của chúng.

Tiến thêm một bước nữa, các chuyên gia của doanh nghiệp (những người am hiểu sâu sắc về quy trình SXKD của doanh nghiệp) từ thực tiễn hoạt động, nghiên cứu, sáng tạo quy trình SXKD mới hoàn thiện hơn, tận dụng được tốt hơn các thành tựu của công nghệ số nhằm đạt được mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra. Quá trình này diễn ra liên tục, không có điểm dừng.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số thế nào để thoát khuyết, phát huy ưu điểm? - ffvdfdsf
Hạ tầng số của các DN công nghệ (hình của tác giả)

Để làm việc này, các chuyên gia của doanh nghiệp cần được đào tạo về phương pháp thiết kế quy trình SXKD số và được huấn luyện sử dụng các công cụ số dùng cho mục đích này. Nội dung đào tạo không đi sâu vào chuyên môn công nghệ số (vốn phức tạp và thường gây cảm giác ngợp cho những người không chuyên về ICT) mà tập trung vào kỹ năng giao tiếp với máy, cách làm cho máy hiểu những yêu cầu của mình thông qua các mô tả và biết điều chỉnh quy trình từ phân tích kết quả mà quy trình mới tạo ra. Các bộ công cụ số sẽ tự động thực hiện việc thiết lập quy trình mới đó theo mệnh lệnh của các chuyên gia. Thực tế chứng minh rằng việc đào tạo các chuyên gia ngành biết sử dụng công cụ số đơn giản hơn nhiều so với đào tạo chuyên ngành mới cho kỹ sư CNTT!

Khi đã thiết lập được quy trình SXKD số thì mọi việc trở nên hấp dẫn hơn nhiều: Mọi dữ liệu phát sinh trong quá trình thực hiện quy trình SXKD được thu thập tự động và đầy đủ nên các hoạt động trung gian trước đây như kế toán, tài vụ, kiểm toán, thống kê, lưu trữ, quản lý nhân sự, quản lý sản xuất,… (vốn là gánh nặng không nhỏ của từng DNVVN) được xử lý bởi các quy trình quản lý tự động! Người ta gọi hoạt động quản lý này là “quản lý thông minh” (trong mọi trường hợp CĐS, tính từ “thông minh” được hiểu theo nghĩa kỹ thuật: máy làm thay người, làm giống như người).

Như thế, “sản xuất thông minh” và “quản lý thông minh” là 2 sản phẩm mà CĐS hướng tới. Chúng làm thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất của xã hội. Vì thế, CĐS mới được “tôn vinh” là động lực của CMCN 4.

Hướng tham gia Chuỗi liên kết số

Đại đa số các DNVVN chỉ hoạt động trong một lĩnh vực hẹp (ví dụ sản xuất, chế biến, thương mại, vận chuyển, hỗ trợ,…) nên việc tự thiết kế quy trình SXKD số riêng cho mình là không khả thi về mọi mặt: Vốn, nhân lực, công nghệ, thị trường,… Hơn nữa, CĐS luôn hướng đến thông minh hóa các quy trình hiện đại chứ không phải các quy trình truyền thống. Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, CĐS không nhằm thông minh hóa quy trình sản xuất nông nghiệp vô cơ, tuyến tính phổ biến hiện nay mà hướng tới thông minh hóa quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Các DNVVN và các HTX nông nghiệp tự mình không đủ năng lực ứng dụng hàng loạt công nghệ cao cùng một lúc vào quy trình SXKD của mình như công nghệ sản xuất hữu cơ, công nghệ tuần hoàn hóa và công nghệ số. Từ lâu, các đơn vị này đã rơi vào trạng thái như vậy. Bài toán tưởng như không có lời giải.

Vậy làm thế nào các DNVVN vừa CĐS thành công vừa ứng dụng được những tiến bộ công nghệ tiên tiến của thời đại mà không phải đầu tư quá sức của mình? Lời giải chỉ đến trong thời CĐS nhờ áp dụng nguyên lý kinh tế chia sẻ trên nền tảng ứng dụng công nghệ số. Theo hướng này, các tổ chức và doanh nghiệp liên kết với nhau, phối hợp SXKD trong các chuỗi giá trị đã được thiết kế sẵn các quy trình SXKD số với vai trò và nhiệm vụ khác nhau được phân công cụ thể trên nguyên tắc phân phối ăn chia thống nhất trong toàn chuỗi.

Ví dụ trong Du lịch: Một chuỗi liên kết phát triển du lịch số có thành phần và cách thức hoạt động như sau:

  • Thành phần: Khách sạn, nhà hàng, đơn vị sản xuất, đơn vị cung ứng dịch vụ (vận chuyển, hướng dẫn,…), đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ số.
  • Hoạt động: Các thành viên trong chuỗi phối hợp hoạt động nhằm phục vụ khách du lịch hiệu quả nhất: Khách du lịch sử dụng mọi dịch vụ được cung cấp bởi chuỗi liên kết (lưu trú, ăn uống, mua sắm, đi lại,…) theo giá niêm yết, thanh toán không dùng tiền mặt theo mô hình D2C. Hệ thống công nghệ số tự động giám sát và xử lý mọi giao dịch diễn ra trong các quy trình SXKD của chuỗi liên kết và tự động chia sẻ giá trị tạo ra cho các bên theo tỷ lệ đã thống nhất.        

Ví dụ trong Nông nghiệp: Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản số có thành phần và cách thức hoạt động như sau:

  • Thành phần: Doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp, đơn vị sản xuất (HTX nông nghiệp, cơ sở chế biến), đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ số.
  • Các đơn vị sản xuất sử dụng các dịch vụ kỹ thuật do doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp cung cấp nhằm đạt được năng suất và chất lượng sản phẩm cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sản phẩm được thương mại hóa trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua kênh D2C không sử dụng tiền mặt. Hệ thống công nghệ số tự động giám sát và xử lý mọi giao dịch diễn ra trong các quy trình SXKD của chuỗi liên kết và tự động chia sẻ giá trị tạo ra cho các bên theo tỷ lệ đã thống nhất.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số thế nào để thoát khuyết, phát huy ưu điểm? - vffgfdg
Hạ tầng số của các DN công nghệ (hình của tác giả)

Hai ví dụ này cho thấy khi các DNVVN tham gia vào các chuỗi liên kết số, họ “bị” cuốn theo cách làm mới và trưởng thành nhanh chóng theo cách làm mới đó, nếu không sẽ bị đào thải. Toàn bộ chuỗi liên kết được hỗ trợ bởi hệ thống các giải pháp công nghệ số: Các đơn vị thành viên chú tâm vào thực hiện công việc của mình, hệ thống hỗ trợ việc còn lại một cách minh bạch. Đó là yếu tố tạo ra sự khác biệt và đảm bảo thành công cho các chuỗi liên kết số. “Nhúng” doanh nghiệp vào môi trường SXKD số là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất giúp doanh nghiệp chuyển đổi số. Vì CĐS tạo ra năng suất lao động cao vượt trội (vài trăm %) so với quy trình SXKD truyền thống nên các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết vừa tăng được doanh thu vừa giảm được chi phí trung gian, do đó, nâng cao được thu nhập cho người lao động (nhiều trường hợp từ gấp đôi trở lên) nên không doanh nghiệp nào muốn đứng ngoài chuỗi hay bị loại khỏi chuỗi.  

Trách nhiệm của các bên

Muốn xây dựng nền kinh tế số thì trước tiên phải phát triển cộng đồng doanh nghiệp số. Cách phát triển cộng đồng doanh nghiệp số nhanh nhất và bền vững nhất là xây dựng các chuỗi liên kết SXKD số hoạt động theo cơ chế thị trường (ai không đáp ứng sẽ bị đào thải, dành chỗ cho người khác). Tuy nhiên, để phát triển được các chuỗi liên kết SXKD số này, cần có sự vào cuộc của nhiều chủ thể với trách nhiệm cụ thể như sau:

Chính quyền: Trách nhiệm quan trọng nhất của chính quyền là dẫn dắt phát triển kinh tế số thông qua việc điều chỉnh các chính sách. Khi chuyển đổi số, xuất hiện hàng loạt những hoạt động mới chưa có chính sách điều chỉnh. Ví dụ giao dịch số (người giao dịch với máy hay máy giao dịch với máy trong môi trường số), cơ chế tự động thông minh (máy tự ra quyết định và điều khiển quy trình như xe tự lái, vườn cây tự canh tác), nộp thuế tự động ngay khi phát sinh doanh thu (sẽ không bao giờ thất thu thuế),… Trong thực tế, khi triển khai một quy trình mới chưa có chính sách điều chỉnh, cả cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp đều lúng túng và thường là việc triển khai phải tạm dừng. Vì thế, chính quyền cần đi trước một bước tạo điều kiện cho chuyển đổi số.  

Doanh nghiệp công nghệ: Doanh nghiệp công nghệ là “thủ lĩnh” của tất cả các chuỗi liên kết SXKD. Đó là các doanh nghiệp tiên phong trong việc sáng tạo các quy trình SXKD mới dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiến của thời đại như công nghệ sinh học, công nghệ 3D, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới,… tích hợp trên các nền tảng số. Đó là các doanh nghiệp “sản xuất tri thức”. Một doanh nghiệp công nghệ có thể “gánh” hàng trăm đến hàng ngàn DNVVN thông qua cơ chế chia sẻ tri thức.

DNVVN: Là lực lượng chủ yếu của nền kinh tế. Với đặc điểm hoạt động linh hoạt, họ dễ dàng tìm thấy những lợi ích rõ ràng khi tham gia các chuỗi liên kết. Thách thức lớn nhất đối với các DNVVN là khả năng thích nghi với môi trường SXKD số, nơi đòi hỏi tính kỷ luật rất cao trong việc tuân thủ quy trình được giám sát bởi công nghệ số. Chắc chắn các DNVVN quen với lối hoạt động ứng phó sẽ phải nhường chỗ cho các doanh nghiệp làm việc kỷ luật và minh bạch.

Nhà cung cấp giải pháp số: Trong mọi trường hợp, khi chuyển đổi số, các doanh nghiệp đều cần đến các giải pháp số. Đó là thị trường vô cùng lớn và cũng là đấu trường khốc liệt đối với các nhà cung cấp giải pháp số, cả trong nước và quốc tế. Sẽ rộng cửa hơn cho các nhà cung cấp giải pháp số nội biết nhanh chóng tham gia phát triển các chuỗi liên kết SXKD số vì môi trường và đặc điểm SXKD ở Việt Nam không giống nước khác – điều không dễ tiếp cận đối với các nhà cung cấp giải pháp số quốc tế. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, khoảng vài ba năm. Trong nền kinh tế số, mọi hoạt động SXKD đều theo hướng dịch vụ (service oriented), vì vậy, nhà cung cấp giải pháp số nên là một bên tham gia chuỗi, cung cấp dịch vụ số cho chuỗi liên kết chứ không bán sản phẩm. Đó cũng là cơ hội cho các nhà cung cấp giải pháp số nội. 

Tạm kết

Chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp cả nước, các DNVVN có vai trò quyết định đến xây dựng và phát triển nền kinh tế số Việt Nam. Các giải pháp công nghệ cần thiết đã hiện hữu, đủ để phát triển các hình mẫu doanh nghiệp số, chuỗi liên kết SXKD số. Khi CĐS thành công ở tất cả các DNVVN, GDP của nước ta sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện nay là trong tầm tay. Vấn đề của chúng ta là tổ chức triển khai như thế nào để đạt được mục tiêu đó. Thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan.

Ở đây, không có ai đóng vai phụ!

Có thể bạn quan tâm
Đầu tư vào khử cacbon một cuộc chạy nước rút

Ngày 31/05/2023 – 01/06/2023, tại cuộc gặp gỡ của những doanh nghiệp đầu tư ESG Việt Nam được phối hợp tổ chức bởi Vietcetera và Raise Partners, câu chuyện bền vững và “xanh hoá” đã được đào xới đa chiều.

TV Neo QLED 2023 đạt chứng nhận giảm phát thải CO2 từ Carbon Trust

6 mẫu TV Neo QLED 8K và Neo QLED 4K được công nhận có lượng khí thải carbon ít hơn so với thế hệ tiền nhiệm, kết quả đo dựa trên lượng phát thải trong suốt vòng đời sản phẩm

Mỹ kiện sàn giao dịch tiền ảo Binance và người sáng lập với 13 cáo buộc nghiêm trọng

Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ ( Securities and Exchange Commission- viết tắt là SEC) đã kiện sàn giao dịch tiền điện tử Binance và nhà sáng lập tỷ phú Changpeng Zhao, cáo buộc rằng họ đã làm việc để thu hút khách hàng Mỹ đến với sàn giao dịch quốc tế không được kiểm soát, trộn lẫn tiền của nhà đầu tư bí mật gửi chúng đến một công ty riêng biệt, vi phạm luật chứng khoán.

Bảo mật dữ liệu là yếu tố then chốt tạo nên một nền kinh tế số thịnh vượng

Đó là phát biểu của ông Li Hai – Giám đốc An ninh Bảo mật, Ban Quan hệ Chính phủ và Truyền thông của Huawei khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn không gian mạng 2023 (Vietnam Security Summit 2023)

Hàn Quốc đã nắm bắt cơ hội Blockchain và Web3 thế nào?

Tối ngày 2/6, trước thềm sự kiện World Blockchain Marvels 2023 sắp diễn ra vào ngày 8/6 tại TP.HCM, các chuyên gia trong lĩnh vực Blockchain và Web3 đã có buổi giao lưu trực tuyến chia sẻ câu chuyện Hàn Quốc đã nắm bắt cơ hội Blockchain thế nào?

Vietnam Post tích hợp công nghệ định vị what3words

Tổng công ty Bưu điện Việt Namđã chính thức tích hợp công nghệ định vị tiên tiến what3words vào hệ thống địa chỉ số do mình phát triển.

MoMoTravel là Nền tảng Du lịch trực tuyến Việt Nam duy nhất trong BXH Thương hiệu Du lịch 2023

Sự góp mặt của MoMoTravel trong BXH này không chỉ cho thấy tốc độ phát triển của các siêu ứng dụng tại Việt Nam, mà còn phản ánh sự dịch chuyển trong thói quen đặt vé máy bay, tàu xe và các sản phẩm du lịch của người Việt.

77% người Việt tin rằng mình có thể không cần tiền mặt trong 3 ngày

Kết quả khảo sát mới nhất của Visa cho thấy, 90% người được khảo sát đã thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt (năm 2022), tăng cao so với mức 77% (năm 2021) và 77% tin rằng họ có thể không cần dùng tiền mặt trong 3 ngày.

Hội LHPN tỉnh Đồng Nai triển khai 181 trang Zalo

Hội LHPN tỉnh Đồng Nai khởi tạo đồng loạt 181 kênh Zalo OA (Zalo Official Account) cho Hội LHPN các cấp trên toàn địa bàn tỉnh, nhằm cung cấp, trao đổi thông tin cho cán bộ Hội LHPN và lan tỏa hoạt động Hội.

Bắc Kạn sẽ cùng FPT xây cao tốc chuyển đổi số

Đó là khẳng định của lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn tại lễ ký kết hợp tác toàn diện diễn ra ngày 30/5/2023 giữa Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh cùng Tập đoàn FPT nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số tỉnh phát triển trên cả ba trụ cột: Chính quyền số – Kinh tế số – Xã hội số.