Đã đến lúc AI tham gia viết kịch bản cho phim Việt

Thật bất ngờ (hoặc không bất ngờ lắm), khi sắp hết năm rồi mà phim Việt vẫn chưa có một “bom tấn” nào đúng nghĩa, tức là đạt đánh giá cao về chuyên môn mà lại đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Nhiều phim đã ra rạp, đa số đều thua, chỉ vài phim kinh dị là “thắng”, dù thắng doanh thu nhưng chất lượng nội dung thực sự đáng báo động.

Thế giới bước qua năm thứ 3 kể từ khi chatGPT xuất hiện, một con AI tạo sinh phổ biến nhất hiện nay, bên cạnh là hàng loạt những AI khác như Claude, Gemini hay AI tạo ảnh kiểu như Midjouney hay Stable Diffusion. Thế giới cũng đã thay đổi rất nhiều kể từ khi đó, và biên kịch phim trở thành một ngành nghề đang bị đe dọa bị thay thế bởi AI. Chẳng thế mà Hiệp hội biên kịch Hoa Kỳ từng tổ chức biểu tình đình công để “thương lượng” với những hãng phim lớn về tương lai của ngành này, rõ ràng là rất mờ mịt với sự xuất hiện của “đấng toàn năng AI”.

Đã đến lúc AI tham gia viết kịch bản cho phim Việt - image 4

Biên kịch Hollywood đình công

2 tỷ đồng cho một kịch bản phim hay chất lượng cao là ít hay nhiều?

Vài năm trước, một nhà sản xuất phim rất “ăn nên làm ra” với Bố Già và Nhà Bà Nữ, là đạo diễn kiêm sản xuất Trấn Thành từng tuyên bố sẽ trả 1 tỷ đồng cho kịch bản phim hay. Từ đó đến nay không biết có ai nhận được một tỷ đó chưa. Nhưng gần đây, đạo diễn Charlie Nguyễn, người từ thành công với Dòng Máu Anh Hùng và phim hài hành trình Tèo Em, cũng đăng đàn bảo là sẽ trả tới 2 tỷ nếu có một kịch bản phim chất lượng.

Đã đến lúc AI tham gia viết kịch bản cho phim Việt - image 3

Những lời tuyên bố trên đến từ những người “có máu mặt” trong giới làm phim đã minh chứng cho một nhu cầu bức thiết đối với thị trường phim Việt, kịch bản phim hay. Cũng không phải là chuyện gì quá lạ, một đạo diễn nổi tiếng tầm thế giới (mà tôi không nhớ tên) đã từng nói, “3 yếu tố để tạo nên một bộ phim hay, thứ nhứt là kịch bản, thứ nhì là kịch bản và thứ ba cũng là kịch bản”. Một kịch bản hay sẽ là “sống còn” cho một bộ phim, bất kể là phim nghệ thuật để đi dự giải, dự liên hoan phim hay là phim thị trường chinh phục khán giả đại chúng, đều phải có nội dung hay trước đã, gọi là “có bột mới gột nên hồ”.

Nên 2 tỷ đồng, nghe thì có vẻ nhiều nhưng thực tế lại không phải quá nhiều, nếu như xét đến một biên kịch phim mà viết ra kịch bản thực thụ, hay, sáng tạo và đột phá thì có khi mất cả năm, hoặc vài năm. Và nếu so với doanh thu những bộ phim thành công lên đến hàng trăm tỷ như phim của Trấn Thành hay Lý Hải thì nó chiếm chưa đến 1%. Thành ra 2 tỷ là hoàn toàn xứng đáng, hoặc có thể hơn nữa, khi mà giờ người ta đã nhận ra được tầm quan trọng của kịch bản hay đối với tổng thể một bộ phim.

AI viết như người, mà người thì viết như AI

Khi chatGPT vừa mới ra mắt, người ta đã thử cho nó viết với nhiều thể loại khác nhau, trong đó có cả kịch bản phim, luận văn tốt nghiệp, bài báo… và AI đã viết như người, hoặc là gần như người. Việc AI có thể làm thay con người ở chuyện “chữ nghĩa” này thì chỉ là vấn đề thời gian, khi nó học đủ lâu và bộ xử lý đủ thông minh.

Còn nhìn vào phim Việt năm qua, với một đống những phim kinh dị doanh thu 70 tỷ, 100 tỷ, như Ma Da hay Cám, hay Linh Miêu… chúng ta phải buộc miệng: “sao khán giả có thể ùn ùn đi xem một bộ phim dở như thế”. Kịch bản dở và ngô nghê, thiếu logic, thiếu sáng tạo, lời thoại thì trên mây không thực tế, nó khiến cho người ta nghĩ “người mà viết kịch bản như AI”.

Đã đến lúc AI tham gia viết kịch bản cho phim Việt - image 7

AI càng tiến gần hơn tới mức của con người, còn con người viết kịch bản phim thì lại “phú quý giật lùi” xuống như AI, quả là một sự thật, một thảm trạng đáng lo nghĩ. Chúng ta đang thiếu người tài, hay chúng ta đang thiếu đề tài? Chúng ta thiếu chất liệu hay chúng ta không thể khai thác chất liệu? Hẳn nhiên, trong vấn đề viết kịch bản phim, việc phải tuân theo các quy định bất thành văn, kiểu như phim kinh dị thì không được “mê tín dị đoan” thì quả là khó nhằn cho những người sắp chữ nghĩ cốt truyện. Kết quả là hiện tại tạo ra một mớ phim điện ảnh có nội dung nhờ nhờ nhạt nhạt, ai cũng muốn an toàn, ai cũng muốn “kiếm tiền thôi, chuyện khác để người khác lo”, người càng dần như AI.

AI sẽ viết kịch bản phim như thế nào?

Ngay lúc này, khi mà cuộc chiến giữa hiệp hội biên kịch ở Hollywood và các hãng phim vẫn chưa có hồi kết, thì hàng loạt AI thiên về viết kịch bản đã xuất hiện, nổi bật và thông dụng nhất vẫn là chatGPT, nhưng bên cạnh đó là những AI chuyên biệt khác như là Jasper (trước đây là Jarvis), Script to Video Maker (từ kịch bản tạo nên video), ScriptBook (phân tích kịch bản dựa trên dữ liệu), hoặc thậm chí là dùng trực tiếp từ Youtube, ứng dụng xem video phổ biến nhất thế giới. Thịt cá dao thớt gia vị đủ cả, chỉ quan trọng là chúng ta chế biến sao cho ngon nhất, vừa miệng nhiều người nhất, là sẽ thành công

Vậy thì AI (kiểu như chatGPT) sẽ làm thế nào để ra một kịch bản hay? Câu trả lời là phụ thuộc vào người sử dụng nó. Không bao giờ có kịch bản phim hoàn chỉnh nếu chỉ có một mình AI “nhúng tay” vào, AI chỉ là một máy học với hàng tỷ tham số đưa ra các kết quả theo các tham số tương đối mà nó được huấn luyện dựa trên một nền tảng dữ liệu khổng lồ. AI có thể đọc hết những tiểu thuyết từ kinh điển đến hiện đại, biết hết mọi câu chuyện, nghe hết mọi cảm xúc và từ đó xào nấu ra nội dung theo yêu cầu. Đó chính là điều mà con người không thể làm được, vì cho dù có dành cả đời để đọc đi nữa cũng không thể đọc hết được số sách truyện, nhưng AI thì có thể.

AI có thể làm được điều mà con người không thể làm được đó là mức độ sáng tạo, đột phá, dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ mà nó có, nó có thể kệ một câu chuyện điên rồ nhất, gây ngạc nhiên nhất, kể những thứ mà ta chưa từng biết tới hoặc chưa từng tưởng tượng tới. Và con người làm chuyện tiếp theo là tận dụng sự sáng tạo đó, tận dụng cái sườn kịch bản đó để hoàn thiện thành một kịch bản phim phù hợp, có cảm xúc, thứ mà AI thường bỏ quên.

Đã đến lúc AI tham gia viết kịch bản cho phim Việt - image 6

Như ở đây, tôi đưa ra một câu lệnh đơn giản về một kịch bản phim ngắn chủ đề kinh dị học đường, AI của chatGPT chỉ mất 1 phút để viết về câu chuyện chính, tạo ra các nhân vật với các tính cách khác nhau, viết luôn màn 1 cảnh 1 là sẽ diễn gì, quay gì, thoại gì, rồi cảnh 2, cảnh 3… Một điều mà với các biên kịch thông thường có khi mất 1 – 2 giờ để suy nghĩ.

Mới mấy hôm trước thôi, OpenAI vừa chính thức ra mắt công cụ tạo video bằng AI là SORA. Đây cũng coi như là một lợi thế nữa của việc biên kịch bằng AI, khi có thể “chạy thử” những thứ vừa được viết ra khi “lên hình” sẽ thế nào, bằng cách nhập nội dung vào cho SORA nó “gen’ ra một cái video để biên kịch có thể hình dung rõ nét hơn, có khớp với ý tưởng, với mong muốn trong câu chuyện hay không.

Một điều lợi thế nữa của AI là nó không bị những “rào cản tâm lý” cũng như những thiên kiến sẵn có trong mỗi người, nên khi triển khai kịch bản sẽ rộng mở hơn, ít bị giới hạn, từ đó có thể tạo ra những đột phá lớn trong câu chuyện. Như đối với phim Việt, việc thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa, căn tính nội hàm của dân tộc, thiếu trải nghiệm đời thực … khiến cho nhiều biên kịch viết kịch bản như mơ ngủ, lời thoại thì như trong sách chứ không phải dành cho phim điện ảnh. Đây chính là những thứ mà AI có thể bổ sung cho những biên kịch của phim, mà phần nhiều cũng chính là đạo diễn phim luôn. Ít ra, nó cũng biến cho phim có thể “sạch nước cản”, rồi mới tính đến chuyện thăng hoa, chuyện lên đỉnh, chuyện thành công vượt trội.

AI không phải là phép màu

Tại Liên hoan phim ngắn và châu Á 2024 hồi tháng 5, đã trình chiếu bộ phim hoạt hình thử nghiệm của điện ảnh Áo mang tên “The Artificial Conjuring Circle” (Vòng tròn ma thuật nhân tạo) – bộ phim đầu tiên được làm hoàn toàn bằng công nghệ AI và bộ phim Trung Quốc “Dragon Gate” (Long Môn) – bộ phim hoạt hình ngắn theo phong cách vẽ màu nước đầu tiên sử dụng nội dung do AI tạo ra, đã gây được ấn tượng rất tốt về nội dung và cách thể hiện.

Đã đến lúc AI tham gia viết kịch bản cho phim Việt - image 9

Bộ phim người đóng đầu tiên “The Last Screenwriter” được viết kịch bản hoàn toàn bằng chatGPT

Bên cạnh đó, bộ phim người đóng đầu tiên “The Last Screenwriter” là phim được viết kịch bản hoàn toàn bằng chatGPT. Nhà làm phim Peter Luisi đã viết 17 từ gợi ý và 4 ngày sau, ông nhận được kịch bản “The Last Screenwriter”. Sau đó, phim được làm theo quy trình sản xuất bình thường, có diễn viên, quay phim, nhạc phim, lời thoại cụ thể (lời thoại hoàn toàn do ChatGPT viết) (Theo Screendaily). Có thể thấy, AI viết kịch bản phim đã trở thành hiện thực, và những bộ phim được thực hiện kia đã là minh chứng cho việc AI có thể làm phim như thế nào.

Tuy nhiên, AI không phải là cây đũa thần mà có thể gõ một phát là thị trường phim Việt có thể cất cánh, nó chỉ có thể mang đến một “không khí” mới bằng những ý tưởng sáng tạo, bằng những kiến thức nền tảng, bằng những câu chuyện độc đáo mà có khi những người đang viết biên kịch cho phim Việt kia chưa đọc đến bao giờ. Ít ra, AI có thể cứu rỗi cho không khí nhàm chán của phim Việt hiện tại, khi mà không phải phim ma ngô nghê thì cũng là những phim tình cảm gia đình xung đột kiểu phim truyền hình cũ kỹ, hay là những phim lịch sử nhưng thiếu chiều sâu (như Công Tử Bạc Liêu)… bằng những kịch bản mới mẻ hơn, trong trường hợp biên kịch tận dụng tốt được AI.

Có thể bạn quan tâm
AI đã bước vào tuổi trưởng thành?

Đã hai năm trôi qua từ ngày ChatGPT bùng nổ khắp toàn cầu và khởi đầu cho cuộc cách mạng AI, cuộc cách mạng công nghệ này đang dần thay đổi sâu sắc cách thức làm việc của con người, thay đổi lực lượng lao động, và thậm chí biến đổi cấu trúc kinh tế của nhân loại.

Y tế, chăm sóc sức khỏe và dược là những lĩnh vực ứng dụng AI nhiều

Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 22/1 tại Davos, Thụy Sĩ, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Tọa đàm với các tập đoàn dược phẩm toàn cầu với chủ đề: “Dược phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số – Tương lai từ đổi mới sáng tạo và công nghệ”. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và Tập đoàn FPT phối hợp tổ chức.

Samsung Galaxy S25 series, AI vào đời sống hiệu quả và thân thiện hơn

Samsung đã chính thức ra mắt Galaxy S25 Ultra, Galaxy S25+ và Galaxy S25, các smartphone AI mang đến khả năng nhận diện văn bản, giọng nói, hình ảnh và video cho trải nghiệm tương tác tự nhiên hơn.

MoMo: AI gần gũi, AI giúp chúng ta hạnh phúc hơn

AI có thể đã bị xem như phần máy móc sao chép con người, ở đó chỉ có sự duy lý của các thuật toán. Vậy mà bằng một định hướng khác, MoMo đã biến AI trở nên có cảm xúc, thấu hiểu, sẵn sàng bảo vệ và là trợ thủ đắc lực của con người.

Cố gắng dạy cho trí tuệ nhân tạo nên người

Chúng ta thường nghe thầy cô giáo hoặc phụ huynh nói rằng sẽ cố gắng dạy cho học sinh hoặc đứa trẻ nên người. Vậy thì khi chưa “nên người”, học sinh hoặc đứa trẻ ấy chưa phải là “người” hay sao? Rõ ràng “người” ở đây là một khái niệm phức hợp, nó bao gồm cả danh từ, tính từ, trạng từ và cả hình dung từ nữa. Những gì người ta đang làm với trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence: AI) hiện nay cũng vậy, nó là một khái niệm khá phức hợp.

Trí tuệ nhân tạo: Nhìn lại quá khứ, dự báo tương lai

Qua bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá lịch sử đầy biến động của trí tuệ nhân tạo (AI), từ những giấc mơ vĩ đại, những giai thoại chưa kể, đến những con người đã định hình nên lĩnh vực này. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ nhìn về tương lai – nơi AI có thể không chỉ là công cụ mà còn đồng hành cùng nhân loại trong hành trình khám phá vũ trụ tri thức vô tận.

Zalopay thanh toán được ngay trên App Store và các dịch vụ của Apple tại Việt Nam

Zalopay, hiện thời, đã có thể được sử dụng như một phương thức thanh toán cho các dịch vụ Apple tại Việt Nam. Khách hàng có thể sử dụng tài khoản Zalopay để thanh toán cho mọi giao dịch trên App Store, Apple Music, Apple TV, iTunes Store, iCloud và nhiều dịch vụ khác.

Chợ Tốt AI ra tính năng “Quét Là Bán”, tiện bán đồ cũ

Chợ Tốt vừa ra mắt tính năng ‘Quét Là Bán’, ứng dụng công nghệ AI, cho phép việc chụp , chọn giá, đăn g bán đồ cũ rất tiện.

Trong 2024, Shopee đã freeship 16.000 tỷ đồng, số giờ xem livestream và video xấp xỉ 260 triệu giờ

Năm qua, Shopee ghi nhận những đột phá về cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm, nổi bật là việc đầu tư mạnh mẽ cho mô hình mua sắm giải trí.

Kiki Auto là “Trợ lý ảo tiếng Việt xuất sắc nhất” năm 2024

Kiki Auto, trợ lý thông minh trên xe ô tô do đội ngũ Zalo AI phát triển, vừa được vinh danh trong hạng mục “Trợ lý ảo tiếng Việt xuất sắc nhất” tại lễ trao giải thưởng công nghệ thường niên Tech Awards 2024.