Câu chuyện số hóa di sản Việt Nam, từ thời sử dụng máy tính AT 386 đến chuyển đổi số

Google số hóa 3D lăng Tự Đức (Ảnh chỉ mang tính minh họa).

Việc số hóa di sản được triển khai sớm nhất ở nước ta có lẽ là từ năm 1993 do Trung tâm Tư liệu tin học, thành phố Hồ Chí Minh (một dự án hợp tác với Cộng đồng châu Âu - EC) thực hiện. Là một chuyên gia công nghệ, đồng thời nguyên lãnh đạo Trung tâm Tư liệu tin học và Ngân hàng dữ liệu TP.HCM, bài viết dưới đây của ông Nguyễn Tuấn Hoa đã đưa ra góc nhìn khá thú vị về câu chuyện số hóa di sản tại Việt Nam.

Nhóm di sản vật thể đầu tiên được chọn số hóa là 1000 ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam với nguồn tư liệu là bộ ảnh, bản vẽ và mô tả về lịch sử và những đặc điểm riêng của từng ngôi chùa. Trung tâm đã quét, chỉnh sửa từng chi tiết gắn với mô tả cô đọng từng ngôi chùa và lập thành cơ sở dữ liệu có thể tra cứu theo niên đại, chủng loại, phong cách kiến trúc, sự kiện lịch sử,… Tất cả làm trên máy tính AT 386, 486 của thời đó, nhưng yếu tố mang lại thành công là các thiết bị cao cấp như scaner, digitizer, audio studio mà Trung tâm được trang bị từ nguồn tài trợ của EC.

Nhóm di sản phi vật thể đầu tiên được số hóa là tác phẩm “1000 cây thuốc, vị thuốc Việt Nam” của GS Đỗ Tất Lợi do chính GS hợp tác cùng Trung tâm thực hiện. Toàn bộ tư liệu của bộ sách đã được số hóa (cả hình ảnh, bản vẽ và nội dung mô tả) và lập thành CSDL có thể tra cứu theo nhiều tiêu chí khác nhau như phân loài, vùng phân bố, công dụng chữa bệnh, thành phần sử dụng,… Đây có thể xem là cuốn sách điện tử đầu tiên ở Việt Nam.

Sau khi Trung tâm Tư liệu tin học TP.HCM giải thể, Ngân hàng dữ liệu TP.HCM (Databank HCMC) là đơn vị tiếp quản (cả về nhân sự và công nghệ) và tiếp tục triển khai việc số hóa tư liệu, trong đó, các di sản phi vật thể được chọn là các tác phẩm văn học (thơ, bài hát, truyện ngắn chọn lọc). Phương pháp số hóa di sản phi vật thể được Databank thực hiện theo hướng tích hợp đa phương tiện (multimedia). Ví dụ câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du “Trong như tiếng hạc bay qua…” thì chữ “tiếng hạc” được highlight để khi học sinh nhấp chuột vào là có thể nghe được âm thanh từ đoạn băng ghi tiếng hạc vọng từ lưng chừng trời nghe trong như thế nào (tiếng hạc kêu khi đậu dưới đất và khi bay trên ngang trời là hoàn toàn khác nhau). Cách làm này tạo ra một cảm xúc khó tả cả đối với người thiết kế lẫn người thưởng thức.

Cùng thời gian này (1996), Malaysia khánh thành Siêu hành lang đa phương tiện (Multimedia super corridor – MSC). Như thế, phát triển sản phẩm ứng dụng kỹ thuật đa phương tiện ở Việt Nam không phải là trễ so với thế giới.

Bẵng đi… gần 30 năm, đề tài số hóa di sản lại được thổi bùng lên với sự quan tâm và vào cuộc của rất nhiều bên: các nhà quản lý, các tổ chức xã hội, các chuyên gia, các doanh nghiệp,… Tuy nhiên, điều khác biệt là số hóa di sản lần này diễn ra ở thời chuyển đổi số chứ không phải thời điện tử hóa sơ khai. Vì vậy, cách tiếp cận, cách triển khai và đặc biệt là cách bảo vệ, bảo tồn, quảng bá và tạo ra nguồn thu từ di sản số hóa một cách thông minh hoàn toàn khác với những gì chúng tôi đã làm từ 30 năm trước.

Di sản là cái để khoe

Dân tộc nào cũng có cái hay, cái dở. Cái hay đọng lại, cái dở nổi trôi. Cái hay đọng lại nhiều nhất, sâu lắng nhất là trong di sản, vì đó là những tinh hoa mà cha ông để lại cho con cháu, biết giữ gìn thì còn cho muôn đời, không thì ngược lại. Trong thế giới hội nhập, bạn bè quốc tế muốn làm ăn với Việt Nam đều muốn nhìn vào di sản mà nhận diện, đánh giá cốt cách của con người Việt Nam. Vì thế, chúng ta không chỉ phải bảo vệ, bảo tồn những di sản quý giá mà cha ông để lại mà còn phải biết “khoe” ra để thế giới biết sâu hơn, đủ hơn về Việt Nam chứ không chỉ biết về Việt Nam thông qua tư liệu về các cuộc chiến tranh đã đi qua. Đây là lý do vì sao rất khó kiếm tiền trực tiếp từ di sản số hóa nhưng lại có thể tạo ra những thứ quý hơn nhiều nếu biết dựa vào các di sản này. Tri thức để quảng bá, không đem bán mà đem cho, cho nhiều thì nhận nhiều.

Câu chuyện số hóa di sản Việt Nam, từ thời sử dụng máy tính AT 386 đến chuyển đổi số - dai noi Hue
Đại nội Huế. Ảnh Toan Huynh

Bảo vệ di sản thông minh

Chuyển đổi số trong quản lý di sản là quá trình xây dựng những mô hình quản lý mới trong quản lý di sản dựa trên ứng dụng công nghệ số. Bảo vệ di sản thông minh là cách tạo ra những hệ thống tự động bảo vệ di sản một cách thông minh. Ví dụ, có rất nhiều di sản quý giá làm bằng gỗ (tượng, chùa,…) cần được bảo vệ chống ẩm mốc, chống cháy. Có thể thiết kế hệ thống sử dụng IoT để đo độ ẩm, mật độ bụi, nhiệt độ,… để nếu vượt quá một ngưỡng nào đó thì tự động kích hoạt cơ chế chấp hành (actuator) như quạt thông gió, phun chế phẩm diệt nấm hay chống cháy kết hợp phát tín hiệu cảnh báo.

Quảng bá di sản thông minh

Đây là nội dung quan trọng nhất vì mọi nỗ lực số hóa di sản, chuyển đổi số trong quản lý di sản cuối cùng cũng là để di sản lên tiếng, để thông tin về di sản Việt Nam đến với càng nhiều người càng tốt. Trong kỷ nguyên số, sự “đến” đó của di sản không lẻ loi mà gắn kết, dẫn người tìm hiểu tới những phát hiện sâu sắc thông qua những liên kết dường như vô tận: Công trình – Thời đại – Con người – Phong tục tập quán – Thiên nhiên – Công cụ lao động – Chính sách… Chỉ trong thời đại số việc này mới làm được và giá trị của nó mang lại không thể đo đếm.

Ngày nay, không có môi trường quảng bá nào tốt hơn Internet, cụ thể là trên các nền tảng Google, Youtube, Facebook, Twitter, Zalo, Viber,… Thông qua các nghiên cứu, tìm kiếm có thể xác định được các nhóm đối tượng tiềm năng để quảng bá di sản Việt Nam, trong đó, các khách du lịch, các nhà đầu tư, các tổ chức nghiên cứu và giao lưu văn hóa là những đối tượng trung tâm. Phương pháp quảng bá tối ưu là thúc đẩy trải nghiệm của khách hàng. Đạt được cung bậc trải nghiệm càng cao của càng nhiều khách hàng thì càng thành công.

Khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị của văn hóa, di sản

Đây là chủ đề mà các nhà quản lý quan tâm nhiều nhất: Làm thế nào vừa khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị của văn hóa, di sản để đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Có hai hướng triển khai chuyển đổi số chính nhằm thực hiện mục tiêu này là phát triển du lịch số (hay du lịch thông minh) và dịch vụ thông tin về di sản thông minh.

a. Du lịch số – du lịch thông minh

Du lịch thông minh là cách làm du lịch dựa trên ứng dụng công nghệ số. Công nghệ số (đặc biệt là công nghệ IoT, Big data và AI) giúp tạo ra cách làm du lịch mới mà trước đó không có. Phát triển Du lịch thông minh là xây dựng hệ sinh thái du lịch, trong đó, công nghệ số hỗ trợ gắn kết, thúc đẩy tính tương tác giữa các thành phần tham gia hệ sinh thái nhằm chọn được phương án tối ưu của toàn hệ thống trong mọi tình huống. Như thế, để thực hiện, chúng ta cần:

  • Xác định mục tiêu hướng tới của hệ sinh thái.
  • Xác định đầy đủ các thành phần của hệ sinh thái du lịch: Khách du lịch, các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, sản xuất (hàng đặc sản, hàng lưu niệm,…), các điểm tham quan (danh làm, thắng cảnh, bảo tàng,…), các cơ quan chức năng (sở Du lịch, Văn hóa, Thuế, Công an, Công Thương, Y tế, Bảo hiểm,…).
  • Xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn  của từng thành phần trên.
  • Xác định các mối quan hệ giữa các thành phần trên.
  • Xác định kiến trúc dữ liệu của hệ sinh thái du lịch.
  • Xác định các yêu cầu xử lý dữ liệu trong hệ sinh thái và các hoạt động phối hợp giữa các thành phần của hệ sinh thái cần thực hiện nhằm đạt được mục tiêu mà hệ sinh thái hướng tới, bao gồm cả các tác vụ (operation) tự động do hệ thống thực hiện với khách du lịch là trung tâm.

Sau khi xác định đầy đủ các nội dung trên, việc ứng dụng các công nghệ số vào thực hiện từng yêu cầu đề ra là không khó nếu nhà thiết kế làm chủ các giải pháp công nghệ sau:

  • Phương pháp phân rã quy trình nghiệp vụ đến nguyên công (Giải pháp giám sát và điều khiển các IoT, bao gồm cả cảm biến và cơ chế chấp hành; Cơ chế tổ chức và xử lý dữ liệu số thống nhất trong toàn hệ thống theo thời gian thực; Công cụ phát triển các CPS – hệ thống vật lý số. Đây là hạt nhân hay động lực tạo ra tính thông minh của hệ thống; Công nghệ AI; Nền tảng số Du lịch

Trong hệ sinh thái du lịch số này, di sản số hóa đóng vai trò vừa là phông nền, vừa là phương tiện thu hút du khách, bởi vậy, tất cả các bên tham gia hệ sinh thái du lịch số mà thu lợi (điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, hướng dẫn viên,…) đều có nghĩa vụ đóng góp một phần cho việc tôn tạo, phục tráng, bảo vệ di sản văn hóa. Việc này tốt nhất là thực hiện tự động bởi cơ chế thông minh của hệ thống.

Xu thế mới nhất hiện nay trên thế giới là xem khách hàng cũng là một bên làm chủ của chính hệ thống cung cấp dịch vụ cho họ. Tùy thuộc vào mức độ đóng góp của mình mà khách hàng được chia sẻ một phần lợi nhuận từ hệ thống theo nguyên lý Web 3 được token hóa. Địa phương nào ở nước ta xây dựng được mô hình này trong giai đoạn hiện nay thì sẽ nhanh chóng xuất hiện trên bản đồ du lịch số quốc tế. Đó là một lợi thế lớn.

b. Dịch vụ cung cấp thông tin di sản thông minh

Đó là loại hình dịch vụ tìm kiếm, tổng hợp thông tin về các di sản theo một chủ đề nào đó hay một yêu cầu cụ thể nào đó của khách hàng. Thường yêu cầu này xuất hiện từ các tổ chức hay cá nhân nghiên cứu sâu về văn hóa các dân tộc trên thế giới.

Khi đã số hóa được một lượng lớn di sản, người ta có thể phát triển các cơ chế tự động thông minh (trường hợp này là các robot mềm) làm nhiệm vụ tìm kiếm, kết nối, xử lý, tổng hợp các mảng thông tin liên quan để phục vụ yêu cầu của khách hàng với sự tham gia của các chuyên gia Văn hóa. Giá cung cấp những dịch vụ như vậy hoàn toàn không nhỏ.

Bên cạnh đó, do là robot nên ta có thể cho chúng tìm kiếm, kết nối những mảng thông tin về di sản theo một loạt kịch bản nào đó và để sẵn như những kết quả đóng gói phục vụ cho rất nhiều mục đích: học tập, nghiên cứu, kinh doanh,… Như thế, di sản không im lặng như trước nữa mà đã biết lên tiếng.

Có thể bạn quan tâm
GL Lifestyle, ứng dụng “một chạm đến thế giới Gamuda”

Sau sự thành công tại thị trường Malaysia, Gamuda Land mới đây đã chính thức cho ra mắt ứng dụng di động mang tên GL Lifestyle.

Lenovo ra mắt các công cụ quản lý và cộng tác không gian làm việc thông minh

Lenovo vừa ra mắt danh mục các Giải pháp Không gian làm việc (Workplace Solutions) được thiết kế để các tổ chức, doanh nghiệp tự tin đón nhân viên quay trở lại làm việc sau thời gian làm việc từ xa do ảnh hưởng của đại dịch.

VNPT và Cục Phát triển doanh nghiệp hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam

Lễ ký kết thoả thuận hợp tác về thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam giữa Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã diễn ra ngày 14/9/2022 tại Hà Nội.

Be-Cake thẻ tín dụng đồng thương hiệu được cá nhân hóa

Lần đầu tiên, thẻ tín dụng đồng thương hiệu giữa nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ và ngân hàng số được ra mắt tại Việt Nam.

Tài khoản Mobile Money đã liên thông với tài khoản ngân hàng

VNPT là đơn vị đầu tiên hoàn thiện việc kết nối với hệ thống của Napas và chính thức cung cấp tới người dùng tính năng liên thông giữa tài khoản Mobile Money của VNPT với tài khoản của các ngân hàng.

YouTube chi trả 6 tỷ USD cho ngành công nghiệp âm nhạc

Lyor Cohen, Giám đốc Âm nhạc của Google và YouTube đã công bố khoản đóng góp 6 tỷ USD cho ngành công nghiệp âm nhạc trên YouTube Shorts.

Ứng dụng QR động trong thanh toán đơn hàng chuyển phát

Ứng dụng mã QR vào thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến trong nhiều hoạt động kinh tế xã hội tại Việt Nam, đặc biệt với mã QR động, Vietcombank và hãng chuyển phát nhanh J&T Express vừa hợp tác để triển khai thanh toán đơn hàng bằng hình thức quét mã QR động này.

Chip Pentonic 700 dành cho smart TV 4K của MediaTek

Chipset MediaTek Pentonic 700 giúp các thương hiệu TV toàn cầu nâng cao trải nghiệm xem toàn diện cho người dùng với các cải tiến về chất lượng hình ảnh do AI hỗ trợ, hỗ trợ Dolby Vision IQ với Precision Detail, tích hợp Ước tính chuyển động 4K120 và Bù chuyển động (MEMC) và tối ưu hóa gaming.

Huawei hợp tác đào tạo nhân tài số cùng 2 trường đại học tại Việt Nam

Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam (Huawei) chính thức ký kết ghi nhớ hợp tác (MOU) với Đại học Giao thông Vận tải (UTC) và Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (UNETI) về phát triển nhân lực ICT cho Việt Nam.

MoMo là phương thức thanh toán cho mọi cửa hàng Starbucks Vietnam

MoMo là ví điện tử đầu tiên trở thành phương thức thanh toán tại tất cả các cửa hàng Starbucks Vietnam trên toàn quốc.