Bắt đầu định hình từ những hồi đầu thế kỷ 21 cho đến nhưng năm gần đây, hình thức mua sắm trực tuyến tại Việfdt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ với rất nhiều hydff vọng về một bức tranh tươi sáng. Tuy nhiên vẫn còn đó những “mảng tối” đủ lớn để nói rằng bức tranh này còn dang dở và cần được đầu tư tỷ mỷ hơn nữa trong năm tới.
Bối cảnh đẹp Ở Việt Nam, trong những ngày đầu thì mua sắm trực tuyến còn đơn giản dưới hình thức buôn bán nhỏ, tự phát trên các diễn đàn, blog cá nhân… Nhưng dần dần, cùng với sự phát triển của mạng internet chúng ta đã có những trang chuyên dành cho mua sắm trực tuyến cùng hệ thống pháp luật, thanh toán tương ứng. Theo ông Jonah Levey, Chủ tịch Navigos Group – công ty tuyển dụng nhân sự chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam thì: “Người dùng Internet Viêt Nam đang ở độ tuổi họ bắt đầu thích tiêu dùng sản phẩm trực tuyến. Nó tạo ra môi trường hoàn hảo cho
thương mại điện tử”. Hiện nay, những trang mua sắm trực tuyến như vatgia.com, muare.vn, 5giay.vn… hay các trang kinh doanh theo hình thức cùng mua như nhommua.com hay muachung.vn… đã không còn xa lạ với phần lớn người dân Việt Nam sử dụng internet.
Năm 2012 được nhận định là năm bùng nổ của mảng kinh doanh trực tuyến, với sự gia nhập ồ ạt của các
doanh nghiệp nước ngoài cùng với đó là con số cho thấy doanh thu từ mua sắm trực tuyến trong năm nay đã tăng gấp đôi so với năm 2011. Sự phát triển mạnh mẽ của internet đã giúp cho đa số người dùng hiện nay thay vì việc phải di chuyển khắp các con thì họ có thể lên mạng, gõ sản phẩm mình yêu thích và lựa chọn, so sánh để chọn mua với mức giá hợp lý. Nếu cách đây chỉ khoảng 2 – 3 năm, việc một nhân viên văn phòng đồng ý mua một sản phẩm qua mạng là khá hiếm hoi bởi lo ngại lừa đảo thì hiện nay, mọi việc đã khác. Theo nghiên cứu của Visa vừa công bố, tại Việt Nam có tới 67% người dùng thường xuyên lướt web hàng ngày và trong số 1.000 người tham gia khảo sát thì 98% số người dùng đã từng thực hiện việc tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ qua mạng internet trong 12 tháng vừa qua, 71% trong số đó đã từng mua ít nhất 1 sản phẩm từ hình thức mua sắm trực tuyến này. Và con số thật đáng trông đợi khi 90% những người từng mua nói rằng họ sẽ tiếp tục mua hàng qua mạng trong tương lai. Với những con số có thể gọi là hứa hẹn như vậy, liệu thị trường thương mại trực tuyến ở Việt Nam đã thật sự phát triển?
Nhiều màu tối Có lẽ không phải tranh cãi khi nói rằng Việt Nam chính là thị trường tiềm năng cho các hoạt động mua sắm trực tuyến nhưng làm sao để tận dụng cái tiềm năng đó trong thực tế thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Mua sắm trực tuyến ở Việt Nam thật sự tạo ra được dấu ấn mạnh mẽ từ khi hình thức mua theo nhóm bùng nổ. Từ bước khởi đầu chỉ có vài trang do các doanh nghiệp nước ngoài làm chủ thì đến nay số trang phát triển theo hình thức này đã tăng lên hàng trăm, với đủ quy mô khác nhau. Năm 2012 được coi là một năm bội thu của các trang áp dụng hình thức mua theo nhóm. Đánh trúng tâm lý khác hàng, các hàng hóa/dịch vụ được niêm yết với mức “giảm” lớn, trung bình từ 30 – 80% so với giá thị trường. Những con số này tỏ ra có ý nghĩa lớn trong một nền kinh tế còn đang dần phục hồi và thậm chí nhiều người đã nhấn nút mua dù không có nhu cầu bởi tiếc mức giá rẻ.
Đi sau nhưng doanh nghiệp nước ngoài với bề dày kinh nghiệm phát triển, các doanh nghiệp trong nước cũng đã bước đầu xâm nhập vào thị trường dù chưa tạo được nhiều tiếng vang. Trong năm tới 2013,
thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều đại gia thương mại điện tử nước ngoài vào đầu tư. Do đó các doanh nghiệp Việt phải cố gắng nhiều hơn để không thất thế ngay trên chính sân nhà của mình khi đây vẫn còn nhiều cơ hội cho mỗi bên tham gia.
Mặc dù đã được cải thiện đáng kể về chất lượng, uy tín của nhà cung cấp hàng qua mạng thì người mua không phải. Khi đó, mặc dù số tiền bỏ ra được coi là rẻ nhưng không nhận được sản phẩm như ý, có chất lượng không như quảng cáo thì tổng thể là không rẻ. Thực tế lại cho thấy hàng hóa trên các trang mạng thường có hình ảnh “mang tính minh họa”, đẹp hơn rất nhiều so với sản phẩm thật. Để tạo niềm tin nơi khách hàng, hiện nay một số trang web đã chụp thêm những hình ảnh thật của sản phẩm. Tuy nhiên, hình ảnh hướng đến việc thỏa mãn thị giác nên các khách hàng vẫn nên tận mắt nhìn và xem sản phẩm thật sự.
Năm 2012 là một năm phát triển rực rỡ của các trang web mua theo nhóm. Tuy nhiên, cũng không phải không có những khó chịu đến với khách hàng khi sử dụng dịch vụ theo hình thức này. Không thiếu trường hợp, người mua đã trả tiền cho doanh nghiệp trung gian cung cấp dịch vụ nhưng khi đến nơi cung cấp dịch vụ để sử dụng thì không được phục vụ chu đáo vì dùng thẻ giảm giá. Trên voucher luôn yêu cầu liên hệ đặt chỗ trước khi đến nhưng nhiều trường hợp người mua liên hệ đặt chỗ trước thì luôn được hỏi có sử dụng voucher không, nếu có thì sẽ nhận được câu trả lời là đã hết chỗ. Thậm chí, như chị Luyến – một khách hàng trung thành của hình thức mua theo nhóm bức xúc chia sẻ: “Mình thường tham gia mua theo nhóm bởi thấy ngồi văn phòng mà mua được nhiều thứ rẻ. Nhưng hôm vừa rồi mua voucher của Dreamland, địa chỉ số 31 … Hà Nội, đến lúc gọi điện đặt chỗ thì lần đầu: đầu tháng, quán nghỉ, lần hai: quán nghỉ, lần ba: quán đang sửa chữa nâng cấp lên thành nhà hàng. Rồi nhà hàng đâu không thấy, gọi điện ch mình mang voucher đến gia hạn thêm 10 ngày. Đến lần thứ tư mình gọi điện thì: bên anh đổi chủ rồi, em thông cảm nhé. Thật sự là rất bực mình, voucher không nhiều tiền nhưng làm như vậy khác gì lừa đảo đâu. Có quay lại hỏi bên cung cấp dịch vụ nhưng cũng là thái độ đùn đẩy trách nhiệm và xin lỗi rồi khất lần”. Và gần đây, sau sự cố tại Công ty TNHH Nhóm mua, người tiêu dùng đang đặt câu hỏi, liệu mua hàng theo hình thức mua voucher như hiện nay liệu có an toàn? Khi bên cung cấp dịch vụ chưa thật sự sâu sát với quyền lợi của khách hàng, chỉ muốn dùng giá rẻ để thu hút khách hàng lúc ban đầuthì lòng tin sẽ nhanh chóng mất đi nếu không có một chiến lược hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho người mua trong mọi tình huống.
Theo mô hình kinh doanh trực tuyến đang phát triển trên thế giới, những trang web như amazon.com hay taobao.com…đều cho phép người mua đánh giá về độ uy tín của cửa hàng. Nói cụ thể hơn, sau khi nhận được sản phẩm của cửa hàng, người mua có thể quay lại nhận xét về chất lượng hàng hóa, độ phù hợp giữa hàng hóa và hình ảnh, thái độ phục vụ, tốc độ chuyển hàng…nhằm đánh giá mức độ uy tín của cửa hàng. Tuy nhiên ở Việt Nam lai khác, chưa có trang web nào cung cấp cho khách hàng chức năng đánh giá độ tín nhiệm của cửa hàng, ngoài người mua hàng cũng chưa thật sự nhiệt tình với việc đánh giá về chất lượng hay thái độ người bán. Họ luôn có một thói quen suy nghĩ, hàng giá rẻ thì chấp nhận một số “phiền phức” đi kèm, bao gồm cả thái độ không nhiệt tình hay chất lượng không như ý. Do đó, một số những trang web không có chất lượng vẫn mặc nhiên tồn tại và nhiều người vẫn là “nạn nhân” của những cửa hàng kiểu này.
Chờ sắc mới Một năm mới sắp đến, các cơ hội mới cho mua sắmtrực tuyến vẫn đang rộng mở.Để người mua tín nhiệm và sẵn sàng quay lại với gian hàng, người bán cần chú ý tới việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm so với những bức hình hay lời miêu tả. Không nên để khách hàng chỉ mua một lần mà không bao giờ dám quay lại.
Các trang web theo hình thức mua theo nhóm cần đảm bảo giữa giá trị và chất lượng. Cần lựa chọn những đối tác uy tín để mang đến cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ đảm bảo để không có chuyện, giá rẻ mà thành ra đắt hay bỏ tiền ra mà mang ấm ức vào người.
Người tiêu dùng cũng nên ý thức về việc mua hàng của mình. Nên chọn mua ở những trang web hay cửa hàng có độ uy tín cao hay những gian hàng đảm bảo để tránh bị lừa đảo. Ngoài ra, khi mua phải những sản phẩm không giống như chất lượng nên quay lại phản hồi tại gian hàng để chia sẻ thông tin đó tới những người mua khác. Nên giữ lại những bằng chứng cho thấy bạn đã thực sự mua hàng ở gian hàng đó (như email, SMS…) và kiểm tra lại các thông tin của sản phẩm trên trang giới thiệu so với sản phẩm thật…
Ngoài ra, thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam nên phát triển một cách toàn diện, có quy hoạch với những luật định và chế tài rõ ràng, tránh để tình trạng ngay cả khi phát hiện ra sai phạm cũng không có những chế tài đủ mạnh mang tính răn đe để phạt nặng những đối tượng lừa đảo.
Việt Anh
Tin học & Đời sống tháng 3.2013