Một chiếc laptop cũ với mức giá thấp hơn nhiều nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu học tập cũng như giải trí của lứa tuổi học trò là giải pháp thay thế hiệu quả và ưu việt trong thời buổi thắt chặt chi tiêu hiện nay. Nhưng, laptop đã qua sử dụng luôn ẩn chứa những mối nguy hại bên trong nếu mua phải sản phẩm “đểu” và người bán không đáng tin cậy. Bởi hàng đã qua sử dụng (second-hand) được đem bán đều có lý do, và phần nhiều là do chúng đã bị lỗi hoặc không phù hợp với nhu cầu sử dụng của chủ sở hữu cũ.
Trước đây khi laptop chưa trở nên phổ biến ở Việt Nam, việc chọn mua một chiếc laptop cũ mà vẫn đảm bảo chất lượng là điều cực khó. Nếu máy hỏng hóc bộ phận nào, người dùng đều đem đi sửa để tiếp tục sử dụng, họ chỉ bán đi khi gặp những lỗi quá lớn và khấu hao trên sản phẩm đã hết. Nhưng hiện nay thì khác, các mẫu sản phẩm mới liên tục được cập nhật, mức giá thay đổi rất ít trong khi tính năng, hiệu suất lại vượt trội hẳn so với thế hệ trước đó. Cho nên, việc thay thế một chiếc laptop mới đối với nhiều người không còn là chuyện khó khăn. Có thể họ chỉ mới sử dụng một năm, thậm chí vài tháng, thấy không thích và muốn lên đời với một chiếc laptop khác đẳng cấp hơn mặc dù cái máy cũ vẫn chưa hư hại gì. Điều đó cũng là cơ hội để những ai muốn mua laptop cũ có thể lựa chọn cho mình một chiếc máy cũ nhưng vẫn bền và đảm bảo chất lượng trong khoản chi phí hợp túi tiền.
1. Điều đầu tiên khi mua laptop cũ Bạn phải đến tìm hàng từ những đại lý mua bán hàng máy tính cũ có uy tín và bề dày trên thị trường. Cũng không quá khó khăn để tìm ra được những cái tên đại lý như vậy ở gần khu vực bạn ở nếu bạn đang sống trong những thành phố lớn. Chỉ cần lướt qua một vài trang web, diễn đàn lớn về công nghệ là bạn có thể tìm được thông tin cần thiết qua những bài viết, đánh giá tâm huyết và kinh nghiệm quý báu của người dùng, của những chuyên gia trong nghề và cả dân đam mê công nghệ ở trên đó. Bạn sẽ tổng hợp được cho mình nhiều kinh nghiệm bổ ích trước khi đi săn lùng một chiếc laptop cũ trên thị trường.
2. Một địa chỉ uy tín chưa phải đã là tất cả Có những trường hợp mua phải máy không tốt, sau khi hết thời gian bảo hành lại mắc chứng sống dở chết dở, bạn phải mất tiền và mất công mang máy đi sửa. Vì vậy, bạn cần tự tay mình kiểm tra tất cả phần cứng lẫn phần mềm để khẳng định chất lượng và tình trạng của máy. Trước khi quyết định đi mua máy cũ, bạn phải định hình trong đầu xem mục đích mua máy phục vụ điều gì là chủ yếu. Nếu không xác định được điều này, khi mua máy về, phần cứng có thể không đáp ứng được cho những yêu cầu cao của bạn.
Nếu bạn chỉ cần sử dụng máy tính với những ứng dụng cơ bản như mail, lướt web, chia sẻ hình ảnh, công việc văn phòng hay tài chính cơ bản thì RAM 256MB và chip tốc độ 700MHz đến 1GHz là đủ. Nếu muốn sử dụng ở nhu cầu tầm trung như tải nhạc, phim, giải trí, sử dụng các phần mềm yêu cầu phần cứng cao hơn thì RAM phải từ 1GB đến 2GB, tốc độ chip khoảng 2GHz là đáp ứng tốt. Những nhu cầu cao cấp khác như chơi
game khủng, đồ họa cao, màn hình độ phân giải lớn, chỉnh sửa phim, nhạc, ảnh… cùng nhiều tính năng vượt trội khác thì RAM phải từ 4GB trở lên, và tốc độ chip vào khoảng 4GHz. Nếu mua trực tuyến, bạn cũng nên đến tận nơi để kiểm tra tình trạng máy. Nếu quá xa, bạn có thể nhờ người quen ở gần chỗ người bán kiểm tra giùm, tuyệt đối đừng chỉ tin vào những hình ảnh “lung linh” đăng tải trên các diễn đàn rao vặt. Phải kiểm tra toàn bộ máy, từ ngoài vào trong, từ phần cứng đến phần mềm.
3. Quá trình kiểm tra máy Bạn phải kiểm tra xem màn hình đã có dấu vết của việc thay màn hay chưa. Quan sát bản lề của màn hình, xem có dấu tích như tróc, nứt, gãy hay cong vênh gì không, xem các ốc vít lấp dưới những chân đế cao su trên mép màn hình có hiện tượng đã mở ra rồi hay chưa. Nếu phát hiện ra những điểm khác biệt, tốt nhất bạn không nên chọn những chiếc laptop này bởi rất có thể màn hình của chiếc máy không còn là của chính nó, mà khi đã thay tức là đã bị thay bởi một màn hình khác chất lượng kém hơn.
Tiếp đến hãy kiểm tra xem có điểm ảnh chết không. Bạn có thể sử dụng các phần mềm để kiểm tra điều này, như phần mềm Dead Pixel Buddy. Nếu thấy tầm khoảng 1 đến 2 điểm chết trên màn hình thì không sao, nhưng nếu nhiều hơn 2 điểm ảnh chết thì hình ảnh sẽ bị suy giảm nhiều và độ sáng sẽ không còn đồng đều. Hiện nay lỗi về màn hình này rất hay gặp ở những chiếc laptop đã dùng được khoảng 2 đến 3 năm, chủ yếu là màn hình bị gạch sọc ngang, khiến cho hình ảnh bị nháy liên tục. Và tất cả lỗi này đều chỉ được giải quyết một cách duy nhất là thay màn khác. Cáp nối màn hình của laptop cũng rất hay bị hỏng, đứt, vì vậy bạn cũng nên có sự quan sát tinh tế và gập mở màn hình nhiều lần để xác định hình ảnh trên màn hình còn giữ được màu sắc tươi sáng và ổn định không. Nếu màu bị đổi, bạn nên xem xét lại, bởi nếu thay màn hình thì bạn sẽ phải tốn kém thêm khoảng 1/4 giá của chiếc laptop cũ đó.
Hãy tiếp tục kiểm tra các kết nối như USB, jack cắm tai nghe và và micro… còn “sống” không. Kiểm tra bàn phím và chuột cảm ứng còn hoạt động tốt hay không. Cách kiểm tra bàn phím đơn giản nhất là bạn mở một file word mới ra và đánh tất cả các phím. Sử dụng các phím tắt trên bàn phím để kiểm tra chức năng làm việc của bàn phím cũng như hoạt động của máy. Kiểm tra ổ đĩa CD bằng cách cho một đĩa nhạc hoặc đĩa phim vào. Cho thử đĩa cài phần mềm vào và chạy thử xem có cài như bình thường hay không.
Kiểm tra khả năng sử dụng pin của laptop. Thời lượng pin trên máy laptop cũ thường không còn giữ được nhiều như máy mới, do đã sử dụng trước đó nên pin thường bị chai và rất nhanh hết pin. Điều này là một thực tế mà người mua máy cũ phải chấp nhận. Nhưng nếu tình trạng pin quá xấu, bạn không nên mua. Pin sạc nhanh đầy và chỉ giữ được khoảng thời gian dưới 30 phút thì chắc chắn sau một thời gian nó chỉ có chức năng là chống sụt nguồn mà thôi. Nếu mua máy bạn phải thay pin, sẽ tiêu tốn một khoản tiền kha khá đấy.
Kiểm tra bo mạch chủ và ổ cứng khá khó vì không thể mở ra để xem như ở các máy để bàn. Nhưng vẫn có một số mẹo nhỏ giúp bạn đánh giá một cách khá tổng quan khả năng làm việc của máy. Hãy tắt máy, rồi khởi động lại. Cứ làm như vậy vài lần, nếu quá trình này diễn ra bình thường, chứng tỏ bo mạch chủ trên máy hoạt động bình thường, có thể khẳng định được lên tới 80% tình trạng của mainboard là tốt. Kiểm tra ổ cứng bằng cách vào Mycomputer chọn Mangage -> Storage – Disk Managerment để check xem ổ cứng có bị cắt bỏ những phân vùng bị lỗi hay không. Những phân vùng bị cắt bỏ sẽ có màu đỏ với dòng chữ unallocated. Có thể sử dụng đĩa Hirent Boot để kiểm tra toàn bộ ổ cứng, kể cả tốc độ đọc/ghi của ổ cứng.
Những hướng dẫn trên đã giúp bạn tự tin hơn phần nào chưa? Hãy ghi chú lại những điều này, chắc chắn bạn sẽ khiến người bán “trố mắt” thán phục tay nghề của bạn đấy.
Quốc Việt
Tin học & nhà trường 157 – Tháng 10.2012