Xuất hiện từ khoảng hơn 2 năm trước, thuật ngữ cùng xu hướng sử dụng đồ handmade nay đã trở nên quá thân quen với giới học sinh, sinh viên. Đây thực sự không còn là một trào lưu mà là một cuộc chơi đầy sáng tạo, đậm chất nghệ sĩ và cá tính.
Từ làm chơi
Đồ handmade là những sản phẩm làm thủ công, tất cả các quá trình đều hoàn toàn được làm bằng tay. Tương truyền, “cha đẻ” của làm đồ handmade xuất phát từ các sinh viên ngành Mỹ thuật, bắt đầu là những dự án tốt nghiệp, sau đó các thành phẩm học tập này dần dần đi vào cuộc sống một cách rất tự nhiên.
Cuộc sống đúng là
dòng chảy không ngừng nghỉ bạn nhỉ?Khi hàng công nghiệp được sản xuất đại trà với các mức giá cạnh tranh, mẫu mã đa chủng loại, thậm chí là những đồ dùng bình thường được gắn chip điện tử tiện lợi, hiện đại thì có một bộ phận người dùng lại thích tự làm nên những vật dùng bằng đôi bàn tay khéo léo của chính mình.Thoạt nhìn những sản phẩm này cũng thường thường bậc trung, chỉ đến khi nhìn kỹ mới hay đấy là cả một tác phẩm nghệ thuật mà chủ nhân đã dồn hết tâm huyết vào đó. Người mua cũng vậy, họ sẵn sàng bỏ ra thêm ít tiền để mua thành phẩm thủ công đó thay vì mua hàng đồ công nghiệp.
Không đến mức tất cả, song dường như ngày nay rất nhiều học sinh, sinh viên đều có những dụng cụ làm đồ handmade của riêng mình.Đơn giản thì chỉ cần 3k (kìm,kéo, kim), chuyên nghiệp hơn thì có thêm máy khâu và đủ các kiểu, các kích cỡ kìm, kéo, kim.Tặng quà nhau bằng đồ handmade đang rất được các bạn trẻ ưa chuộng, và nếu đó là đồ handmade do chính người tặng làm, món quà càng mang nhiều ý nghĩa hơn.
Tú Chi, sinh viên khoa CNTT, đại học Ngoại ngữ – Tin học TPHCM cho biết, là sinh viên chuyên về lập trình nhưng Chi và nhiều bạn gái trong lớp, trong trường Chi rất thích làm đồ handmade. Sản phẩm đầu tay của các bạn thường là khâu thành chiếc túi đựng dụng cụ học tập bút viết. Cũng bo tròn góc cạnh, ngăn lớn, ngăn nhỏ, cũng dây kéo, khuy bấm hẳn hoi, bạn nào khéo hơn thì thêu thêm tên mình hoặc lồng với tên của ai kia lên túi. Tú Chi cũng biết thêu, nhưng bản tính vốn nhút nhác lại hay mắc cỡ, nên hai chữ cái ấy Tú Chi cho nằm ẩn khuất vào ngăn kéo bên trong, trông rất e ấp và đầy ý nhị.“Không đẹp và sắc sảo bằng đồ bán ngoài chợ, nhưng mỗi khi cầm chiếc túi đựng với đường kim mũi chỉ vụng về này, Chi thấy sung sướng và có cảm giác đó không phải là cái túi đựng đồ vô tri vô giác, mà là ghi dấu một câu chuyện chinh phục bản thân” – Chi nói. Vì để làm chiếc túi này, Tú Chi vất vả suốt gần cả một tháng trời, từ ra chợ tìm mua miếng vải ưng ý, lên ý tưởng thiết kế, tiến hành cắt, ráp lại từng mảnh, đến cách dấu các mũi kim, đường chỉ, lộn trái lộn phải, khâu các khúc cua làm sao không bị tròn, bị méo, vào dây kéo làm sao để không bị nhấp nhô…
Sân chơi làm đồ handmade thật ra rất kén người chơi, không cần bạn phải là dân Mỹ thuật, chỉ cần bạn có chút khéo tay và quan trọng nhất là có đủ sự say mê và thời gian kiên trì để theo nó.Mỗi khi đã vượt qua “kiếp nạn” đầu, ý muốn làm thêm nhiều sản phẩm khác cứ thế sẽ thôi thúc bạn. Sau những túi vải đựng viết, điện thoại di động, máy tính bảng xinh xắn đã làm xong, có thể bạn sẽthích chuyển qua làm vòng đeo tay, hoa tai, dây chuyền, rồi làm thiệp, làm hoa và nhiều thứ khác nữa mà bạn hình dung chúng sẽ rất tuyệt với óc sáng tạo và sự biến hóa của đôi bàn tay bạn.
… đến kinh doanh Bắt đầu là chỉ làm để chơi, nhưng khi những sản phẩm làm chơi đó đạt đến mức độ hoàn hảo, có nhiều người khen, định liệu có thể bán được, nhiều bạn sinh viên đã bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình từ công việc làm đồ handmade.
Nếu đã một lần đến với các phiên chợ nhóm họp bán đồ handmade theo tháng tại Hà Nội, TPHCM hay Đà Nẵng, bạn sẽ cảm nhận hết được tình yêu, sự nâng niu của người làm và người thích đồ làm bằng tay này, gần như là một sự trở về thế giới cổ tích. Ở đó, bạn sẽ bắt gặp một cô nàng sinh viên đội mũ phớt, cặm cụi trong một dáng vẻ trang nghiêm ngồi đan kết vòng tay đeo cho khách. Chỉ từ một cọng thép mà làm ra được hàng trăm chiếc nhẫn uốn éo cắt theo các khuôn chữ. Một hạt nút bình thường cũng có thể trở thành chiếc nhẫn đeo tay đầy cá tính. Những cuốn album bay được cắt đặt thông minh, khi mở tập album sẽ nở bung ra như đóa hoa ngập nắng, rất ấn tượng. Hay những cây bút bi ẩn mình trong những khúc cây khác người. Từ chiếc bóng đèn ớt tròn tròn trơ trọi, chỉ sau vài phút biến tấu cắt tỉa tờ giấy màu, bóng đèn sẽ được khoác lên mình chiếc áo lộng lẫy. Những tờ báo kiểu màu vàng ố cổ điển cũng có thể tạo nên hấp lực, khá nhiều học sinh chọn mua để bao tập vở… Chính từ yêu thích sự sáng tạo, mong muốn đi tìm cái khác biệt đã khiến cho thế giới đồ handmade như luôn trong tư thế muôn hình vạn trạng. Cứ mỗi lần đến với cửa hàng, chắc chắn bạn sẽ được chủ nhân đem khoe những món đồ vừa mới được chế biến.
Thị trường cung cấp nguyên liệu như hạt đá, cườm, vải, giấy, da, len, ruy-băng, dây đồng, dây thừng… cho sân chơi làm đồ handmade này hiện nay không hề hiếm, trong nước, ngoại nhập đều có đủ.Ngay cả những cửa hàng bán nguyên phụ liệu này khi giao hàng cho khách, họ cũng sáng tạo ra những gói hàng được gói theo kiểu… handmade, đặc biệt với những gói hàng được đặt mua qua mạng và chuyển qua đường bưu điện, trông rất chuyên nghiệp. Những nơi cung cấp nguyên phụ liệu này thậm chí còn khuyến mãi thêm cho khách hàng những bài hướng dẫn, chỉ bảo tận tình làm đồ handmade nếu khách hàng có nhu cầu.
Nhiều bạn trẻ năng động đã chủ động lập nên hội những người thích làm đồ handmade độc trên các trang mạng xã hội với hàng ngàn người tham dự đăng ký làm viên. Nhiều câu lạc bộ làm đồ handmade cũng từ đó ra đời, ở TPHCM có hội XìGòn Handmade, D.I.Y Let’s Go…, ở Hà Nội có B-Handmade shop, CLB Handmade Việt Nam, CLB 360 Craft… Tại đây, các bạn trẻ đam mê sáng tạo không chỉ được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm mà còn được cập nhật những mẫu mã, vật liệu, thông tin mới nhất của thế giới handmade, được chiêm nghiệm hoặc tham gia trưng bày những sản phẩm độc đáo của cộng đồng người làm đồ handmade. Một số câu lạc bộ hiện cũng có tổ chức những khóa học làm đồ handmade ngắn hạn, mức học phí khoảng từ 50-80 ngàn đồng/buổi.
Theo kết quả khảo sát do một nhóm sinh viên đại học Hoa Sen thực hiện, khách hàng ở độ tuổi 15-22 chiếm phần lớn trong thị trường đồ handmade, họ quan tâm chủ yếu đến các mặt hang như thiệp, phụ kiện, trang sức… Còn đối tượng trên 30 tuổi, xu hướng sử dụng đồ handmade thiên về những vật dụng trang trí nội thất. |
Lê Uyên
Tin học & Nhà trường 160-161 – Tháng 1&2.2013