Intel Compute Stick là một cỗ máy tính cá nhân có thể nằm gọn gàng trong tầm tay của bạn và có mức giá khoảng 4 triệu đồng.
Intel Compute Stick.
Thiết bị có thể được cắm trực tiếp vào cổng kết nối HDMI, và khi kết nối với mạng Wi-Fi và các thiết bị ngoại vi khác, người dùng có thể
trải nghiệm Windows 8 một cách hoàn chỉnh. Điều đáng nói ở đây là người dùng có thể nâng cấp miễn phí lên phiên bản Windows 10.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng việc có được trải nghiệm Windows hoàn chỉnh không đồng nghĩa rằng bạn có được các trải nghiệm tốt nhất. Compute Stick được trang bị bộ vi xử lý Atom phổ thông được tìm thấy trên các máy tính bảng sử dụng nền tảng Intel, nên đừng trông đợi rằng sản phẩm này sẽ thực hiện được các tác vụ chỉnh sửa hình ảnh hay chơi
game nặng. Compute Stick cần phải được cấp nguồn liên tục thông qua cổng kết nối microUSB do không được trang bị pin riêng.
Dù sao thì đây cũng là một thử nghiệm rất thú vị của Intel, bởi Compute Stick này có khả năng đem lại các trải nghiệm stream nội dung HD mà bạn có thể “bỏ túi” dễ dàng. Bạn sẽ không sử dụng thiết bị này như một chiếc máy tính cá nhân chính tại gia, nhưng sẽ luôn tìm thấy Compute Stick rất hữu dụng trong các tác vụ thường nhật.
Thiết kế lạ và tính năng đủ Không có nhiều điểm để nói về thiết kế của Compute Stick. Thiết bị lớn hơn Chromecast một chút, và có thể được cắm vào TV hay màn hình máy tính thông qua cổng kết nối HDMI. Compute Stick không thể lấy nguồn trực tiếp từ HDMI và với việc không có pin rời riêng, bạn cần phải lấy năng lượng cho thiết bị thông qua cổng sạc microUSB được trang bị trên cạnh trái của máy.
Compute Stick được trang bị bộ vi xử lý Intel Atom Z3735F 4 nhân với tốc độ 1,3GHz, 2GB RAM và dung lượng bộ nhớ trong là 32GB. Khe cắm thẻ nhớ mở rộng ở cạnh phải hỗ trợ các thẻ microSD tốc độ cao với mức dung lượng tối đa 128GB. Để kết nối với các thiết bị ngoại vi, người dùng có thể sử dụng đến cổng USB (duy nhất) được trang bị ở cạnh bên cổng cấp nguồn hoặc sử dụng Bluetooth 4.0. Dĩ nhiên, để hoàn chỉnh trải nghiệm kết nối hoàn chỉnh, Compute Stick được trang bị kết nối Wi-Fi b/g/n.
Một trong những điểm nhấn ấn tượng của thiết bị chính là việc được trang bị hệ điều hành Windows 8.1 với Bing bản quyền. Đây là phiên bản Windows hoàn chỉnh của Microsoft dành cho những hãng sản xuất thiết bị với mức giảm giá rất nhiều. Bing là cỗ máy tìm kiếm chính được trang bị trên hệ điều hành này khi sử dụng thiết bị lần đầu tiên, nhưng không có gì có thể ngăn cản bạn thay đổi sau khi kích hoạt hệ thống. Do sử dụng hệ điều hành Windows hoàn chỉnh, bạn hoàn toàn có thể cài đặt bất kỳ phần mềm nào mình muốn, kể cả Windows 10. Ngoài ra, ở một số quốc gia khác, Compute Stick còn có phiên bản chạy hệ điều hành Ubuntu với mức giá thành thấp hơn.
Sự cạnh tranh ở phân khúc máy tính cá nhân nhỏ gọn không quá nóng, nhưng Chromebit của Asus cũng gây được nhiều sự chú ý từ người dùng. Sản phẩm có mức giá thành thấp hơn, nhưng lại sử dụng hệ điều hành Chrome OS thay vì Windows, và đó cũng là một điểm trừ lớn mà các máy tính sử dụng hệ điều hành trình duyệt gặp phải khi đem so sánh với các máy tính sử dụng hệ điều hành hoàn chỉnh. Compute Stick cũng được trang bị quạt tản nhiệt, nhưng độ ồn của thiết bị là gần như không đáng kể, trừ khi bạn dí sát tai vào.
Kết nối và hiệu năng hợp thời Intel quảng bá Compute Stick như là một giải pháp mang tính tiết kiệm nhằm chen chân vào các phân khúc thấp hơn của thị trường máy tính cá nhân. Có thể không phải là mạnh nhất do sử dụng phần cứng của một chiếc máy tính bảng, nhưng bạn hoàn toàn có thể trông đợi vào hiệu năng của thiết bị này. Compute Stick không đem lại cảm giác chậm chạp khi sử dụng, và các ứng dụng chưa bao giờ tốn nhiều thời gian để khởi động.
Việc stream các nội dung 1080p trên YouTube hoạt động một cách mượt mà, và điều này cũng lặp lại khi chơi các nội dung HD từ ổ cứng nội bộ. Một trong những ứng dụng hoàn hảo nhất cho Computer Stick chính là biến cỗ máy này thành thiết bị đầu cuối cho máy trạm giải trí của bạn, lấy nội dung từ các thiết bị khác trên mạng nội bộ để chơi trên bất kỳ TV hay màn hình nào trong nhà thông qua ứng dụng Plex.
Một trong những trải nghiệm đáng giá khác vượt ngoài mong đợi của người dùng chính là khả năng xử lý một vài tác vụ phức tạp như biên tập hình ảnh và game. Thử nghiệm cho thấy người dùng hoàn toàn có thể chơi được Dota 2 ở mức thiết lập thấp, và chỉnh chế độ render hình ảnh ở mức 50 hoặc 60%. Kết nối Bluetooth của Compute Stick dừng lại ở mức chấp nhận được.
Kết luận Intel Compute Stick dù sao vẫn đem lại cảm giác như là một sản phẩm thử nghiệm, sản phẩm mẫu hơn là một thiết bị dành cho người tiêu dùng cuối. Hiệu năng hoạt động “vừa đủ” trong một thân hình nhỏ gọn sẽ là lựa chọn đáng giá cho đại đa số người dùng, và mặc dù kết nối Bluetooth không ấn tượng lắm, bạn hoàn toàn có thể sử dụng cổng USB cho kết nối với các thiết bị USB không dây. Có rất nhiều các để tối ưu hóa hiệu năng của Compute Stick, nhưng sẽ đòi hỏi người dùng có một số kinh nghiệm dùng máy tính nhất định.
Nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp stream nội dung giải trí đơn giản, sẽ có khá nhiều lựa chọn thiết bị khác như Roku 2, Roku Streaming Stick, Amazon Fire TV Stick hoặc Apple TV, nhưng nếu đòi hỏi cần phải có sự cơ động nhiều hơn, thoải mái hơn trong lựa chọn tùy biến thiết bị, khó có sản phẩm nào đánh bại được Compute Stick trong thời điểm hiện tại.
Compute Stick là một thiết bị thú vị, với mức giá 4 triệu đồng tại Việt Nam và hiệu năng cao hơn mong đợi. Nếu các phiên bản trong tương lai có thể cải thiện sức mạnh phần cứng nhiều hơn nữa, sự thành công của cỗ máy tính tí hon này là hoàn toàn có thể dự đoán được.
Ưu điểm: Có thể nằm gọn gàng trong túi quần của bạn; là thiết bị giải trí, duyệt web tốt. |
Nhược điểm: Kết nối Bluetooth còn hạn chế. |
Nhận xét: Cỗ máy tính hoàn chỉnh giá thành thấp này là một trải nghiệm tốt cho những người thích sự mới lạ, nhưng vẫn còn phải cải thiện nhiều để biến thành một cỗ máy tính mini đúng nghĩa. |
Khánh Hòa