Tính đến 6 giờ sáng ngày 20/8, Bộ Y tế công bố Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 312.611 ca mắc Covid-19, trong đó có 120.059 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Riêng tại TP Hồ Chí Minh có hơn 1.900 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có tổng cộng 312.611 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.180 ca nhiễm).
Nếu tính riêng chỉ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 308.559 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Về tình hình điều trị, có 5.000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 19/8, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 120.059 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 660 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 27 ca.
Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 18/8 có thêm 398.031 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 15.922.537 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.359.868 liều, tiêm mũi 2 là 1.562.669 liều.
Riêng tại TP.HCM, tính đến 6 giờ sáng ngày 20/8, toàn địa bàn thành phố có tổng cộng 164.342 ca mắc Covid-19, 5.759 ca tử vong, cùng 5.075.726 liều vaccine đã được tiêm chủng.
TP Hồ Chí Minh có hơn 1.900 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19
Tính đến ngày 19/8, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tổng số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị là 33.202 người, trong đó có 1.937 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 5,8%), 2.302 bệnh nhân nặng đang thở máy (6,9%) và có 16 bệnh nhân phải can thiệp ECMO.
Trước đó, vào ngày 17/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ra công văn khẩn số 5722 về việc tiếp nhận, chăm sóc, đảm bảo an toàn trong điều trị đối với trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể được hướng dẫn cách ly tại nhà, nếu đủ điều kiện theo quy định.
Nếu người bệnh không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì sẽ liên hệ chuyển đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4 (do Bệnh viện Nhi đồng thành phố phụ trách), Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 11 (do Bệnh viện Nhi đồng 2 phụ trách), hoặc Bệnh viện dã chiến Củ Chi (do Bệnh viện Nhi đồng 1 phụ trách).
Đối với trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 có diễn tiến nặng sẽ được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố hoặc Bệnh viện Nhi đồng 2 để tiếp tục điều trị chuyên sâu.
Việt Nam sẽ tiếp nhận một triệu viên thuốc Avigan của Nhật Bản điều trị Covid-19
Chiều 19/8, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Tập đoàn Fujifilm (Nhật Bản) về việc cung cấp thuốc Avigan do hãng này sản xuất cho Việt Nam.
Tham dự cuộc họp có Tiến sĩ Yamada Koichi, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban chiến lược thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm, Tập đoàn Dược phẩm Fujifilm Toyama Chemical. Ngoài ra còn có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, đại diện các vụ, cục có liên quan của Bộ Y tế.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) cho biết, AIC Group sẵn sàng mua toàn bộ số thuốc Avigan đang có trong kho của Fujifilm để góp phần hỗ trợ điều trị miễn phí cho các bệnh nhân Covid-19 trong nước hiện nay.
Ngay trong tháng 8 ngày, AIC Group đứng ra đàm phán mua và tài trợ toàn bộ chi phí để đưa một triệu viên Avigan về sử dụng miễn phí nhằm hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam.
Đồng thời, AIC Group và Tập đoàn Dược phẩm Fujifilm Toyama Chemical sẽ cùng thống nhất kế hoạch để tiếp tục đưa số lượng lớn thuốc tiếp theo về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Đại diện Fujifilm khẳng định sẽ lên kế hoạch để sớm vận chuyển một triệu viên Avigan đầu tiên này tới Việt Nam. Ngoài ra, hãng cũng sẽ cân nhắc việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc Avigan cho Việt Nam trong thời gian tới theo đề nghị của AIC Group và Bộ Y tế.
Việc mua được ngay 1.000.000 viên thuốc Avigan vào thời điểm này là điều hết sức đáng mừng, nhất là khi số lượng các ca mắc Covid-19 đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu chậm lại.
Trước cuộc họp trực tuyến chiều qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã vận dụng tất cả các mối quan hệ trong Chính phủ Nhật Bản để tiếp cận nguồn thuốc quý giá này.
Bộ Y tế cũng đã liên tục hỗ trợ và phối hợp để giúp AIC Group nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo Fujifilm trong việc chuyển ngay toàn bộ số thuốc Avigan đang có sẵn trong kho sang Việt Nam, dù hãng cho biết đang có nhiều đơn hàng quan trọng vẫn phải chờ.
Ngay từ tháng 2/2020, đích thân Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato đã đặt hàng Fujifilm phát triển và sản xuất loại thuốc này để đối phó với dịch bệnh Covid-19. Với hiệu quả và mức độ an toàn đã được chứng minh qua thử nghiệm lâm sàng, hiện Fujifilm đã nhận được hàng chục đơn hàng lớn từ các quốc gia thông qua kênh ngoại giao.
Khoảng 20 triệu liều vaccine Covid-19 về Việt Nam trong tháng 8 và 9
Theo Thứ trưởng, trong tháng 8-9, mỗi tháng có thể về khoảng 10-12 triệu liều vaccine hoặc hơn. Sang quý 4, lượng vaccine sẽ về nhiều hơn, cố gắng bao phủ vaccine 75% dân số vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, cũng trong ngày 19/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã tới kiểm tra công tác thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 2 vaccine Covivac tại Trung tâm y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thuấn đánh giá cao kết quả của giai đoạn 1 của vaccine Covivac. Ông Thuấn nhấn mạnh, việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine trong là một trong những chiến lược quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam.
“Việc nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” an toàn, hiệu quả được xác định là một nhiệm vụ khoa học quan trọng giúp Việt Nam sớm tự chủ nguồn vaccine và được quốc tế công nhận, sử dụng”, ông Thuấn nói.
Dự án nghiên cứu thử nghiệm vaccine Covivac bắt đầu từ tháng 5/2020. Ngày 3/8, Hội đồng đạo đức Quốc gia nhận được báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac. Kết quả cho thấy vaccine này an toàn và có tính sinh miễn dịch, đủ điều kiện để chuyển sang giai đoạn 2.
Ngày 7/8, Hội đồng đạo đức Quốc gia đã họp thông qua đề cương nghiên cứu giai đoạn 2 vaccine Covivac.
Mục tiêu của giai đoạn 2 là đánh giá công thức và liều lượng vaccine Covivac nào là tối ưu cho giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tiếp theo. Tính an toàn và đáp ứng miễn dịch cũng sẽ tiếp tục được đánh giá. Dự kiến tháng 11 sẽ có kết quả giữa kỳ của giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng.
“Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đánh giá ngay, nếu kết quả tốt, chọn được liều phù hợp và khẳng định được tính sinh miễn dịch bước đầu sẽ cho triển khai ngay pha 3. Nếu đánh giá tốt, tháng 12 sẽ có kết quả ban đầu của giai đoạn 3. Vaccine chứng minh được độ an toàn, tính sinh miễn dịch cao, bước đầu thể hiện rõ hiệu quả thì có thể đề xuất Hội đồng đạo đức, Hội đồng cấp phép để xem xét, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp.”– Thứ trưởng cho hay.
Một ưu điểm của vaccine Covivac là được sản xuất bằng công nghệ trứng gà có phôi, đây là công nghệ sản xuất vaccine cúm truyền thống đang được sử dụng rộng rãi. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã có đủ năng lực sản xuất vaccine ở quy mô lớn với giá cả hợp lý để phòng chống đại dịch.
Tại Việt Nam, đến nay có 3 vaccine Covid-19 được cấp phép thử nghiệm lâm sàng gồm: Vaccine NanoCovax (đang tiêm thử nghiệm giai đoạn 3), vaccine Covivac (chính thức chuyển sang giai đoạn 2) và vaccine ARCT-154 (nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Hoa Kỳ, đã kết thúc tiêm mũi một cho 100 người tình nguyện).
Bộ Y tế họp khẩn với TP HCM và 3 tỉnh khác về thiết lập ‘trạm y tế lưu động’
Sáng 19/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long họp khẩn với lãnh đạo TP HCM và 3 tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai để thảo luận vấn đề triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động để chăm sóc người bệnh, người mắc Covid-19.
Trong diễn biến tình hình hiện nay, nhất là với TP HCM, số người nhiễm tiếp tục gia tăng đòi hỏi có sự chăm sóc, quản lý, điều trị người nhiễm tại cộng đồng, bên cạnh đó, phải đảm bảo công tác y tế cho người dân tại địa bàn; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với TP HCM và một số địa phương tổ chức mô hình trạm y tế lưu động này với phương châm “bám dân, gần dân và phục vụ người dân”.
Mỗi xã phường theo quy định trước đây có một trạm y tế, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay có thể thiết lập nhiều Trạm Y tế lưu động tại xã phường đó, nhất là với khu vực đông dân cư, nơi có nhiều người nhiễm Covid-19.
Trạm Y tế lưu động này vẫn thực hiện chức năng nhiệm vụ của trạm y tế, trong chăm sóc sức khỏe ban đầu với người dân trên địa bàn, đồng thời quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19 dựa vào cộng đồng và gia đình với mô hình của TP HCM.
Để thiết lập, vận hành mô hình này, Bộ trưởng nhấn mạnh 4 yếu tố:
Thứ nhất, về chức năng nhiệm vụ, trên cơ sở của một trạm y tế khám chữa bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn, Trạm Y tế lưu động có nhiệm vụ tổ chức theo dõi ca dương tính tại nhà; tổ chức sơ cứu các trường hợp bệnh (ngoài Covid-19) và kết nối, chuyển tuyến; tổ chức điều trị, chăm sóc các ca bệnh F0; thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19, các loại xét nghiệm khác, tiêm chủng và truyền thông.
Thứ hai, về địa điểm: Bộ Y tế khuyến cáo chọn bất kỳ địa điểm nào từ nhà thi đấu, nhà văn hóa, UBND xã phường, phòng khám tư nhân; nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà dân rộng rãi, cách biệt khu vực xung quanh, cần túc trực 24/24 giờ. Khi không chọn được các địa điểm này thì địa phương chọn phương án di động, có phân công trực và bố trí địa điểm sinh hoạt phù hợp.
Thứ ba, về nhân lực, Trạm Y tế lưu động tối thiểu cần có 1-2 bác sĩ và 5-7 cán bộ y tế khác tùy điều kiện từng địa phương. Ngoài ra Trạm cần có tình nguyện viên tại địa bàn nắm rõ địa bàn, dân cư.
Thứ tư, về trang thiết bị: Trạm Y tế lưu động cần đáp ứng ở mức độ tối thiểu nhất có thể, ít nhất có 2 bình oxy trở lên có đầy đủ mặt nạ (để thay phiên nhau) và dụng cụ cấp cứu khác. Trạm có túi thuốc cấp cứu lưu động.
“Trạm Y tế lưu động có điều kiện tổ chức tối giản, nhân lực tối giản nhưng phải đảm bảo chăm sóc, điều trị bệnh bình thường và quản lý, điều trị Covid-19 tại cộng đồng”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế đặc biệt lưu ý TP HCM cần rà soát dự kiến số lượng nhân sự cần chi viện, tỉnh Bình Dương cần lưu ý địa bàn Tân Uyên và Thuận An. Với các địa phương khác cần có dự thảo kế hoạch, khi có điều kiện cần kích hoạt (địa phương không đáp ứng nhu cầu điều trị F0 tập trung) thì kích hoạt ngay.
Tình hình thế giới
Theo trang Worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 689.415 ca bệnh Covid-19 mới và trên 10.523 ca tử vong mới. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là 210.764.808 ca, trong đó có 4.415.866 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 142.924 ca), Ấn Độ (37.304 ca) và Anh (36.572 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.492 ca), Mexico (940 ca) và Brazil (938 ca). Ở hạng mục này, Việt Nam đứng vị trí thứ 8 với 380 ca.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với trên 38 triệu ca nhiễm và trên 643.000 ca tử vong, trong khi Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với trên 32,3 triệu ca. Còn Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong, hiện đã trên 572.000 ca.
Tình hình Đông Nam Á
Theo trang thống kê Worldometers.info, trong ngày 19/8, 9 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 92.615 ca mắc Covid-19 mới và 2.247 ca tử vong mới. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã vượt 9 triệu ca, trong đó 198.362 người tử vong.
Trong ngày 19/8, ASEAN có ba quốc gia ghi nhận trên 20.000 ca mắc mới, gồm Malaysia (22.984 ca), Indonesia (22.053 ca) và Thái Lan (20.902 ca). Như vậy, trong ngày thứ hai liên tiếp, Malaysia đã vượt Indonesia về số ca mắc mới hàng ngày.
Đứng thứ 4 về số ca mắc hàng ngày tại ASEAN trong ngày 19/8 là Philippines với 14.895 ca. Tiếp đó là Việt Nam với 10.654 ca, Campuchia với 533 ca, Lào với 284 ca và Singapore với 32 ca.
Về số ca tử vong, có các quốc gia ghi nhận ca tử vong mới điển hình là Indonesia (1.492 ca), Thái Lan (301 ca), Philippines (258 ca), Malaysia (178 ca), Campuchia (17 ca).
WHO hối thúc Indonesia hành động khẩn cấp
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã hối thúc Indonesia hành động nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 sau khi dữ liệu mới cho thấy, hoạt động đi lại trong lĩnh vực bán lẻ và giải trí đã phục hồi về mức trước đại dịch tại một số khu vực trọng điểm.
Indonesia – quốc gia hồi tháng trước trở thành tâm điểm của đợt bùng phát dịch Covid-19 tại châu Á – đã áp đặt các lệnh hạn chế đi lại, song hiện cho phép các trung tâm thương mại và nhà hàng tại một số khu vực được hoạt động với 25% công suất.
Báo cáo tình hình mới nhất của WHO nhấn mạnh “sự gia tăng đáng kể về hoạt động đi lại của người dân trong lĩnh vực bán lẻ và giải trí” tại các tỉnh Banten, Tây Java và Trung Java với tổng dân số khoảng 97 triệu người.
Không gian bán lẻ và giải trí được đề cập ở đây bao gồm các nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, thư viện, bảo tàng và công viên giải trí. Dựa trên số liệu của Google từ tuần thứ hai của tháng 8, WHO cho hay hoạt động đi lại của người dân đã đạt mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 2/2020.
Báo cáo của WHO nhấn mạnh: “Việc xây dựng một kế hoạch cụ thể và hành động khẩn cấp là rất quan trọng nhằm chặn trước và giảm thiểu tác động của việc gia tăng các hoạt động đi lại đối với sự lây lan dịch bệnh và năng lực của hệ thống y tế”.
Do ảnh hưởng của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, số ca mắc Covid-19 hàng ngày tại Indonesia đã đạt mức kỷ lục hơn 56.000 ca vào tháng trước, đẩy các bệnh viện trên đảo Java vào tình trạng quá tải và thiếu oxy y tế nghiêm trọng.
Số ca mắc Covid-19 mới đã giảm đáng kể xuống còn khoảng 15.000 ca vào ngày 18/8, tuy nhiên tỷ lệ xét nghiệm cũng giảm trong khi tỷ lệ dương tính và số ca tử vong vẫn còn ở mức cao. Các chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại rằng, biến thể Delta sẽ lan rộng sang các khu vực xa xôi hẻo lánh có năng lực y tế yếu kém.
Sau hơn 1 tuần thí điểm tại TPHCM, Zalo Connect – tính năng tìm kiếm, giúp đỡ những người khó khăn, tương trợ nhau vượt qua đại dịch Covid đã được triển khai rộng rãi tại hơn 20 tỉnh/thành đang giãn cách.
OPPO luôn là hãng tiên phong phát triển các tính năng camera mới trong những năm qua, có thể kể đến như camera selfie dưới màn hình, công nghệ thu phóng… Công ty này vừa tiếp tục giới thiệu các cải tiến công nghệ camera tiếp theo của mình.
Dịch vụ gọi xe ô tô công nghệ GoCar của ứng dũng Gojek ra đời trong bối cảnh giãn cách xã hội do COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều ca nhiễm F0 tăng và phải tự điều trị tại nhà, các thành viên trong ban quản trị chung cư Hiệp Tân – 8X Đầm Sen, Quận Tân Phú, TP.HCM đã quyết định cùng nhau tự xây khu cách ly F0 để hỗ trợ người dân trong khu mình sinh sống.
Đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại Việt Nam đã tạo ra sự kìm hãm chuỗi cung ứng sản xuất các sản phẩm thế hệ tiếp theo cho Apple và Google.
LG Display đang đầu tư 2,81 tỷ USD vào dây chuyền lắp ráp màn hình OLED cho iPhone và iPad của Apple vào năm 2024.
Chủ tịch Huawei cho biết, trong khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đã bóp nghẹt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của công ty, nhưng họ sẽ không từ bỏ và có kế hoạch sẽ trở lại “ngôi vương” của mình trong ngành.
UBND TP.HCM vừa ban hành loạt công văn đẩy mạnh hoạt động phòng chống dịch, chữa trị cho các ca F0 trên địa bàn. Bao gồm bổ sung 100 tấn oxy lỏng tại các bệnh viện, đề xuất mua 182.408 túi thuốc phát cho bệnh nhân F0 cách ly tại nhà, thiết lập trạm đo nồng độ và thở oxy tại khu dân cư…
Từ ngày 18/8 – 3/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội sẽ phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức chương trình “Đơn hàng thiết yếu 0 đồng”, để trao tặng 6.000 phần quà cho người dân 6 tỉnh miền Nam, hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ứng dụng gọi xe Be sẽ chính thức mở lại dịch vụ Giao hàng và Đi chợ giùm tại TPHCM từ 12g00 trưa 18/08/2021.