Hà Nội đó có nhớ có thương nhiều lắm với ai đã từng sống ở đây rồi xa, nhưng không biết có còn gì lưu luyến không hỡi người nếu nơi ấy không còn một vài người bạn hay thiếu vắng những thảo dân dễ thương với những câu chuyện lề đường. Hà Nội hay ở các thành phố khác, chắc chắn ở mỗi góc phố đâu đó đều có những câu chuyện…
Ở con đường nhỏ, bên lề có một hàng nước chè không bảng hiệu, không vách ngăn, không mái lá đã tồn tại chắc từ lâu lắm rồi. Chỉ có một cái rổ nhựa và vài ba cái ghế nhựa nhỏ giữa trời, nương nhờ bóng mát của hai cây Bụt mọc ven bờ và gió mát thổi lên từ Hồ Tây, hồ Trúc Bạch. Người ta ai cũng đứng lên là không còn thấy dấu vết của một quán xá.
Bán buôn giản đơn thế này thôi sao hỡi cô nàng hàng? Không biết một ngày có được bao nhiêu người khách và kiếm được mấy đồng tiền chợ? Bán được bao lâu rồi và mãi như vậy được sao? Cô bán hàng chè chén thật vui vẻ, mời hai anh ngồi chơi, các anh uống chè nhé.
Tác giả và cô hàng nước trong bài viết
Vầng, ngày nào em ngồi đây từ mười giờ sáng đến tối, có hôm đến khuya, như bữa nay chẳng hạn nếu trời không mưa. Cười tươi với khách lạ, tình cảm và tử tế, giọng Hà Nội chính cống, lâu lâu pha một vài từ “luýnh”, nghe ngồ ngộ mà lại rất người.
Cô chỉ sang bên kia đường, hàng ngày em gởi hàng trong đó đó và nhờ nhà người ta nấu cho mỗi ngày ba phích nước sôi, trả cho họ mười ngàn đồng. Chè này luôn phải pha nước thật sôi anh ạ. Và sáng nào cũng nấu sẵn hai bình nước mang theo từ nhà cho đỡ tốn và sáng ra tới nơi là có nước sôi ngay để pha chè bán hàng. Mang hai cái phích đi đường chỉ sợ đụng xe, lỡ va chạm có ngày bỏng chết. Một lần ông xã chở em ra đây, sáng sớm gặp chiếc xe nhà binh, xe mình đang lên dốc, xe nhà binh lao tới ầm ầm, sợ quá em quăng vội cả phích cả xe nhảy không thôi hôm ấy bỏng hết cả vợ lẫn chồng.
Đang vui câu chuyện có tiếng chuông điện thoại, cô nói thằng con trai em nó gọi anh ạ.
“Tối nay á, phải mười một giờ khuya mẹ mới về được, sáng giờ ế quá, mẹ cố bán thêm cho đủ như mọi ngày. Bây giờ con tự xếp đồ rồi chuẩn bị sách vở cho ngày mai đi, con tự làm được mà…”. “À mẹ dặn thêm này, nhớ đi ngủ sớm con nhé, sáng mai bốn giờ là mẹ gọi dậy rồi mẹ truy bài cho đấy, nghe lời mẹ, ngoan con nhé!”.
Nghe cái giọng điệu cô nói chuyện điện thoại với con sao mà tình cảm và chăm lo đến thế. Ai đó từng làm phụ huynh, được nghe mẹ con nhà cô hàng chè chuyện trò việc học hành khi ấy, chắc sẽ khó tránh khỏi xao lòng. Ngồi nhẩm tính nếu trở về nhà muộn thế, loay hoay đêm ấy cô hàng chè chắc chỉ được ngủ chừng bốn giờ đồng hồ.
Ngồi được ở chỗ này a? Anh tưởng dễ sao – Cô lại tiếp chuyện. Cái hàng chè chén bãi cỏ ven hồ này là chỗ của bà cô em bán đã hơn hai chục năm. Ngày trước em thường hay ra đây phụ bán với cô. Tại cô thấy vợ chồng em bán buôn linh tinh, bữa được bữa chăng không ra tiền nuôi con, bà ấy thương nên kêu về phụ bán hàng chè chén còn có tiền ổn định. Một ngày đẹp trời, vợ chồng con trai cô ấy sinh cho bà một đứa cháu nội, bà mừng quá và bà lại yêu cháu hơn cái hàng chè nên bỏ về trông cháu, giao cho em nơi này. Bà cô có thâm niên, sang tay cho em cái chỗ này mới được chứ ai mà dám ngang nhiên ra đây ngồi mà yên sao. Anh tưởng, góc đường góc phố Hà Nội không một dấu vết nhưng có chủ cả đấy, dễ gì ai cũng ngồi được. Người lạ ai thử tới đây, thử mang hàng tới bầy ra như em xem, có người đi ngang lườm cho một phát là phải cuốn xéo đi ngay chứ dám ho một tiếng, he he…
Hỏi cô hàng nước chè, hàng họ loe hoe có bây nhiêu thôi sao, ngày cô kiếm được bao nhiêu? Coi nào, mặt tiền quán xá nổi nhất chỉ có cái ống điếu cày với mấy bịch thuốc lào, ít phong kẹo lạc, một phích nước sôi ba bình trà mạn và còn thêm mấy gói thuốc lá Vina, vài bịch hạt hướng dương nữa là hết.
Anh hỏi hàng họ á, chỉ cần bây nhiêu thôi, cơ động mà, để còn vừa bán vừa chạy chứ. Họ tới là em chạy, dân phòng hay công an í, hi hi… Buồn cười lắm cơ. Xe phú lít tới đầu đường là nghe ơi ời rồi, bọn em có tín hiệu riêng cả đấy, không thôi người đi đường chạy xe máy ngang là người ta nhắc, công an tới kìa… thế là ôm hàng chạy, vui lắm.
Nói gì thì nói, cũng có người người ta còn thương em. Có bữa anh gì ấy ở phường đi ngang kêu ra nói nhỏ, ngày mai người ta đi kiểm tra đấy, thế là nghỉ bán. Một bữa khác xe lính tới ngay một bên, mải chuyện với khách không hay, ngó lên thấy một cậu thanh niên đang giơ cao cây gậy, hoảng quá. Tưởng cậu ấy giơ gậy đánh mình, hóa ra cậu ấy lại bảo nhỏ, bà ôm đồ chạy đi cho nhanh, mấy ông khách này nữa, mang phụ cho chị ấy với. Hơ hơ… ở đây vui thế đấy anh ạ.
Lại có bữa xe đi dẹp lòng lề đường, người ta ôm mẹt, ôm ghế chạy nháo nhào, hàng họ tung tóe. Em cũng vội ôm theo rổ hàng này còn bỏ lại mấy cái ghế sứt. Bỗng nhiên nghe thấy tiếng loa: “Cái chị áo hoa kia không phải chạy”… Người ta bỏ chạy đi đâu hết cả rồi chẳng còn bóng một ai, em chợt nhìn mình, ơ thì ra mình mặc áo hoa, buồn cười thế cơ chứ. Hôm ấy họ không bắt em thật. Không biết là ai còn tốt với em thế, cứ nghĩ chắc là có cái ông nào đó đã uống chè ở hàng em nhiều phải lòng em rồi, he he…
Còn con cái á, em được một thằng lớn, vợ chồng em cho cháu học liên thông, nhà không có điều kiện anh ạ, nay cháu sang năm thứ hai rồi còn đứa nhỏ đang lớp sáu. Thằng nhỏ hồi nãy điện thoại cho em đó. Cô bỗng nhìn xa xa về cuối hồ Trúc Bạch, nuôi con cái đường còn dài lắm, vợ chồng em cũng phải gắng sức thôi…
Không hỏi thêm nhà cô ở đâu đó xứ Hà thành đầy người và xe, đầy bon chen kiếm sống này nhưng nghe là biết xa xa, cô bảo may có ông xã nhà em chịu khó lắm, chăm lo cho hàng chè mạn, hàng ngày chở cô ra đây với hai bình nước rồi mới chạy đi, buôn bán linh tinh, gặp gì làm nấy.
Ngồi dóc chuyện với cô hàng chè, không phải một nàng bán nước chè xanh có đôi mắt nhung huyền ở làng Ngũ Xá mà là cô hàng chè chén bên bờ hồ Trúc Bạch. Không phải thanh bình thơ mộng “người đâu trông mà duyên dáng và cô em chừng đôi tám” mà là hàng chè của người nữ đứng tuổi, chủ một gia đình và một cuộc mưu sinh cho gia đình ấy.
Chỉ chuyện và cười vậy thôi, tiếp chuyện người khách phương xa, nhưng thật tình, vui chuyện mà không nghe cô nàng hàng thở than lấy một lời về cuộc sống này sao mà cực nhọc. Nhưng rồi cứ thấy ái ngại, mang theo suy nghĩ từ một góc phố. Cũng một người Hà Nội, cũng là một nghiệp nghề và cũng là một kiếp thảo dân.
Anh Đỗ
Tin học & Nhà trường 158 – Tháng 11.2012